Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Tài chính nêu 6 tỉnh tồn tại dự án có vốn giải ngân dưới 5%

Lệ Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ công tác số 5 về giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng, vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm của 6/12 địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao kiểm tra.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng Tổ công tác số 5, hằng tháng có trách nhiệm kiểm tra các địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước trong các địa phương, gồm Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trên cơ sở kết quả giải ngân 3 tháng đầu năm 2024, có 6/12 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 thấp hơn bình quân chung cả nước. Cụ thể, tỉnh Bình Thuận 8,77%; tỉnh Gia Lai, 6,31%; tỉnh Đồng Nai, 10,59%; tỉnh Bình Dương, 11,98%; tỉnh Bình Phước, 10,7 %; tỉnh Tây Ninh, 13,6%. Bộ Tài chính cũng dự kiến khả năng giải ngân trong 4 tháng năm 2024 của 6 địa phương trên không có nhiều đột phá.

Ngoài ra đến hết tháng 3, nhiền dự án đã được bố trí kế hoạch vốn vẫn chưa giải ngân hay số vốn giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2024).

Ảnh minh họa  
Ảnh minh họa  

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công  thấp được 6 địa phương nêu ra là còn nhiều bất cập trong các cơ chế chính sách, cũng như trong khâu tổ chức thực hiện.

Để đạt mục tiêu kế quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị lãnh đạo UBND các tỉnh và các sở ngành liên quan triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; Rà soát kỹ, phân bổ vốn tập trung, không dàn trải, theo đúng thứ tự ưu tiên, đúng đối tượng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân; Tập trung bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, đường liên kết vùng, đường ven biển và các dự án trọng điểm, tránh phân bổ dàn trải, không phân bổ vốn cho các dự án không có khả năng giải ngân.

Lãnh đạo UBND các tỉnh cũng cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, xác định các mốc thời gian hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng đối với các dự án, gói thầu mới thực hiện trong năm 2024; Chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu.

Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính kiến nghị, ngay khi nhận được kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án gửi ngay đến Kho bạc Nhà nước để có cơ sở kiểm soát, thanh toán theo quy định.

Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu. Trường hợp cần tăng mức tạm ứng vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư, vật liệu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với quy định.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn, đảm bảo việc thực hiện thông suốt, kịp thời phát hiện các vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản xử lý theo thẩm quyền, chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời,…

Với cơ quan kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, Bộ Tài chính kiến nghị cần đẩy mạnh việc thanh toán nhanh qua cổng dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian giải ngân vốn cho đơn vị thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị.

Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” theo quy định của Chính phủ.