Hàn Quốc nâng cao định giá thị trường chứng khoán
Trong nỗ lực mới nhất để thúc đẩy các thị trường chứng khoán địa phương vốn đang bị định giá thấp cũng như giải quyết vấn đề “chiết khấu ở Hàn Quốc”, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) ngày 26/2 đã công bố “Chương trình Tăng giá trị Doanh nghiệp”. Giải pháp mới của FSC nhằm ưu tiên lợi nhuận của cổ đông thông qua các ưu đãi, bao gồm lợi ích về thuế và “khuyến khích các công ty niêm yết tự nguyện thiết lập và tiết lộ các kế hoạch nâng cao giá trị”.
Theo thông báo của FSC, biện pháp mới nhất mà chính quyền Seoul đang thực hiện nhằm nâng cao định giá thị trường chứng khoán ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc thường bị các nhà phân tích xem là định giá thấp và gọi hiện tượng này là “Chiết khấu của Hàn Quốc”.
Bên cạnh đó, FSC đang lên kế hoạch giới thiệu “Chỉ số tăng giá trị Hàn Quốc” (Korea Value-up Index) cho các nhà đầu tư và tổ chức, bao gồm cả quỹ hưu trí. Chỉ số này tương tự như chỉ số JPX Prime 150 của Nhật Bản, bao gồm các công ty hoạt động tốt nhất của Nhật Bản.
Ông Daniel Yoo, chuyên gia trưởng về phân bổ tài sản toàn cầu tại Yuanta Securities Korea, nhận định rằng định hướng chung của các biện pháp này được xem là khá tích cực đối với thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Trong khi đó, FSC cho biết, nhiều công ty sẵn sàng thực hiện “Chương trình Tăng giá trị Doanh nghiệp” và đặt mục tiêu thực hiện kế hoạch này vào nửa cuối năm 2024.
Cơ quan tài chính Hàn Quốc cũng kỳ vọng “Chương trình Tăng giá trị Doanh nghiệp” của nước này sẽ gặt hái được thành công tương tự giải pháp trước đó của chính quyền Tokyo. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã lần đầu tiên lập kỷ lục sau 34 năm trong phiên giao dịch ngày 10/1/2024 nhờ vào tình hình kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp và nỗ lực của chính phủ thúc đẩy cải cách quản trị doanh nghiệp tốt hơn để tăng lợi nhuận cho cổ đông. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc đã giảm 0,2% trong 2 tháng đầu năm, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 17,5% trong cùng kỳ.
Trung Quốc ra mắt chỉ số chứng khoán bluechip mới
Bắt đầu từ ngày 2/1/2024, các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc đã bổ sung chỉ số bluechip CSI A50 như một phần trong nỗ lực thúc đẩy niêm yết được xem là chiến lược quan trọng của nước này.
Trung Quốc ra mắt chỉ số bluechip mới trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này liên tục lao dốc khiến chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu niêm yết tại sàn Thượng Hải và Thâm Quyến giảm hơn 11% trong năm 2023.
Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức có xu hướng tập trung vào chỉ số CSI 300 - ưa chuộng cổ phiếu tài chính, trong khi các nhà đầu tư cá nhân thường theo dõi chỉ số Shanghai Composite thiên về tài chính và công nghiệp.
Các nhà phân tích nhận định, việc bổ sung chỉ số CSI A50 nhằm đẩy mạnh việc tạo ra các sản phẩm đầu tư mang lại tỷ trọng lớn hơn cho ngành năng lượng tái tạo và sản xuất chất bán dẫn - những lĩnh vực trọng tâm trong tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc về chuyển đổi kinh tế và an ninh quốc gia.
Ông Jason Lui, người đứng đầu chiến lược Đông Á tại Ngân hàng BNP Paribas nói với tờ Financial Times: “Trong những năm gần đây, chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng ở những lĩnh vực không được phản ánh trong các chỉ số chứng khoán thông thường mà các nhà đầu tư cá nhân và nước ngoài có xu hướng theo dõi. Chúng ta có thể xem chỉ số CSI A50 như một chỉ số bluechip với sự đa dạng hóa ngành phù hợp được tích hợp”.
Cũng trong tháng 1, Cơ quan Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã cấm hoàn toàn việc cho vay cổ phiếu hạn chế nhằm siết chặt hoạt động bán khống trong bối cảnh thị trường tiếp tục chìm trong xu hướng bán tháo kéo dài. Cổ phiếu bị hạn chế thường được chào bán cho nhân viên công ty hoặc nhà đầu tư với những hạn chế nhất định, song chúng có thể được cho người khác vay vì mục đích giao dịch, chẳng hạn như bán khống, điều này có thể gây thêm áp lực lên thị trường.
Theo quy định mới, các nhà đầu tư chiến lược sẽ không được phép cho vay cổ phiếu trong thời gian phong tỏa như đã thỏa thuận. Bên cạnh đó, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 5/2 đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% để giải phóng 1.000 tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường.
Ấn Độ đặt mục tiêu đẩy nhanh giao dịch T+0
Cơ quan quản lý Ấn Độ đang muốn đẩy nhanh thời gian xử lý các giao dịch chứng khoán, trong công cuộc thúc đẩy các cải cách nhằm thu hút thêm nhà đầu tư.
Theo tờ Bloomberg, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (Sebi) hồi tháng 1 đã đề xuất bắt đầu chu kỳ thanh toán xuống dưới một ngày (T+0) từ cuối tháng 3 này, trước khi chuyển sang quy trình thời gian thực vào năm 2025. Các chu kỳ ngắn hơn sẽ là tùy chọn đối với các nhà đầu tư và chạy cùng với hệ thống hiện có, mà các giao dịch được thanh toán theo ngày T+1.
Nhu cầu giải quyết nhanh hơn trên toàn cầu đã tăng lên sau khi giá cổ phiếu “meme stock” (ám chỉ các cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội, không liên quan gì tới hoạt động kinh doanh) tăng vọt vào năm 2021, khiến cơ chế thanh toán T+2 dường như là chưa đủ đáp ứng nhu cầu một bộ phận nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Đối với Sebi, việc thanh toán nhanh hơn cũng là một nam châm thu hút các nhà đầu tư cá nhân đang tránh đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu để chuyển sang các công cụ phái sinh vốn cổ phần. “Trong thời điểm hiện tại, độ tin cậy, chi phí thấp và tốc độ giao dịch cao là những yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư cổ phiếu. Chính vì vậy, giảm thời gian giải quyết và tăng hiệu quả hoạt động của giao dịch có thể tiếp tục thu hút và giữ chân các nhà đầu tư” - Sebi cho biết.
Sunil Sanghai, người sáng lập NovaaOne Capital và cựu chủ tịch ngân hàng HSBC và GoldmanSachs tại Ấn Độ cho biết: “Nếu vốn hóa thị trường Ấn Độ tăng từ 4.000 tỷ USD lên 40.000 tỷ USD, chúng tôi cần phải liên tục phát triển và ứng dụng công nghệ thời đại mới cũng như các phương pháp tiếp theo để củng cố thị trường của mình. Thị trường của chúng tôi đã trải qua nhiều thay đổi trong quá khứ, bất kể quy mô lớn đến đâu”.
Ấn Độ - thị trường chứng khoán lớn thứ tư thế giới với giá trị vốn hóa 4,3 ngàn tỷ USD, đã chuyển sang chu kỳ thanh toán T+2 vào năm 2003 và trở thành quốc gia thứ hai sau Trung Quốc áp dụng T+1 vào năm 2023, điều mà Mỹ dự kiến sẽ triển khai vào tháng 5/2024.