Phát triển nhà ở giá rẻ còn chậm
Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg năm 2011 (QHC 2011), chỉ tiêu đến năm 2030, nhà ở đô thị đạt 30m2 sàn sử dụng/người; nhà ở nông thôn tối thiểu 25m2 sàn sử dụng/người. Cụ thể hóa quy hoạch chung, Hà Nội đã xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo các giai đoạn.
Thời gian qua, TP đã nỗ lực tập trung phát triển các dự án nhà ở bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, các loại hình nhà ở cũng được chú trọng đa dạng hóa, trong đó có nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt với đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở...
Thế nhưng một thực tế tồn tại là cơ cấu sản phẩm nhà ở còn nhiều bất cập. Nhu cầu nhà ở giá rẻ và trung bình là phân khúc chiếm 70% nhu cầu hiện vẫn rất thiếu, trong khi nhu cầu đối với loại hình nhà ở trung, cao cấp chỉ chiếm từ 20 - 30% nhưng nguồn cung nhà ở dạng này lại chiếm hơn 65% sản phẩm triển khai.
KTS Lê Hoàng Phương - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho hay, qua rà soát kết quả thực hiện QHC 2011 cho thấy, phát triển đô thị của Hà Nội thời gian qua còn phân tán, dàn trải, chưa đồng bộ. Các khu đô thị mới phát triển nhanh song còn dàn trải, chưa cân đối giữa phát triển mới với tái thiết. Chưa chú trọng phát triển nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư.
Nhà ở xã hội chỉ đạt khoảng 20% và nhà ở tái định cư chỉ đạt khoảng 30% chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ hoàn thành các dự án nhà ở xã hội tập trung và nhà ở xã hội trong các dự án thấp (đạt khoảng 30 - 47%). Bên cạnh đó, công tác cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nhằm cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân khu vực trung tâm vẫn còn chậm…
Đánh giá sau hơn 10 năm triển khai QHC 2011, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng nêu, chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực nông thôn đã đạt vượt mục tiêu đề ra (đến năm 2030), trong khi chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực đô thị chỉ tăng khoảng 1,2m2/người, chưa bảo đảm mục tiêu.
Ngoài ra, việc phát triển loại hình nhà ở giá rẻ còn chậm so với nhu cầu. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực và quyết liệt từ phía chính quyền nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư, cần xem xét lại chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực đô thị đến năm 2030 để bảo đảm tính khả thi.
Tăng quỹ nhà ở xã hội tại các đô thị vệ tinh
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho phần đông dân số của Hà Nội, TP cần xác định rõ quy mô quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ ở mỗi phân khu quy hoạch. Dành tỷ lệ đất ở hợp lý trong tổng số đất đai quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội, từ đó có kế hoạch bảo đảm nguồn cung phù hợp với nhu cầu nhà ở trong từng giai đoạn.
Đồng thời, các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 có quy mô từ 10ha trở lên có tỷ lệ bố trí đất xây nhà ở xã hội phải bảo đảm nguyên tắc dành bình quân 25% diện tích đất ở theo Nghị quyết của HĐND TP. Cùng đó, TP cần quyết liệt chỉ đạo thực hiện mục tiêu Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Đó là đưa diện tích nhà ở bình quân lên 27,6 - 29,5m2/người, tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới theo dự án khoảng 20,44 triệu m2; tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành khoảng 25.000 căn hộ.
Về giải pháp lâu dài nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà ở của người dân, đồng thời gắn với phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững, hiện đại, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, trong quá trình triển khai Điều chỉnh tổng thể QHC 2011 tới đây sẽ dự báo nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng đến năm 2030, 2045 bao gồm nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, nhà ở cho sinh viên, nhà ở công vụ từng giai đoạn.
Dự báo quỹ đất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở của TP trong giai đoạn 2025 - 2030 - 2045. Xây dựng hệ thống giải pháp phù hợp với tình hình cụ thể của TP, dựa trên các mục tiêu được đề ra nhưng vẫn bảo đảm được tính bền vững cho công tác phát triển nhà ở.
Về các chỉ tiêu cụ thể, lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, trong định hướng quy hoạch đề xuất diện tích sàn nhà ở bình quân toàn TP đạt 32m2 sàn/người, trong đó nhà ở đô thị là 33m2 sàn sử dụng/người, nhà ở nông thôn tối thiểu 28m2 sàn sử dụng/người.
Đối với nhà ở xã hội, phát triển mới khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở và phát triển theo hướng giảm tại khu vực trung tâm, tăng tại các khu vực phát triển mới, các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, bảo đảm mục tiêu thu hút dân cư ra khỏi khu vực các quận và gắn kết với nơi làm việc mới (khu công nghiệp, khu công nghệ cao). Riêng với cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ sẽ phân bổ lại quy mô dân số tại các khu vực quy hoạch, cân đối tại chỗ, đáp ứng hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh…
Trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này cần có định hướng cụ thể cho từng loại nhà ở: nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở thương mại, nhà ở công vụ. Đây cũng là kinh nghiệm từ nước ngoài khi thực hiện mô hình chùm đô thị.
Riêng đối với loại hình nhà ở xã hội cần xác định mục tiêu xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng để tránh hiện tượng không thu hút người ở, chuyển nhượng tùy tiện. Đối với nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, cần xác định giao quyền cho TP điều chỉnh quy hoạch. Về nhà ở tái định cư, cần bổ sung cơ chế tạo thuận lợi cho đối tượng giãn dân trong nội đô. Nhà ở của các hộ gia đình và cá nhân, cần bổ sung thêm giải pháp tạo cơ chế chính sách để bảo tồn nhà ở có giá trị trong khu vực nội đô lịch sử.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Đối với khu vực nhà ở nông thôn, sẽ xây dựng các công trình nhà ở giữ được bản sắc của khu vực từng vùng miền, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhà ở nông thôn khu vực đô thị hóa, hướng tới các mẫu nhà hiện đại, tiệm cận với tiêu chuẩn sống của đô thị nhưng vẫn kế thừa các nét kiến trúc tiêu biểu, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Nhà ở nông thôn thuần túy, nghiên cứu các mô hình nhà ở kết hợp sản xuất, sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, ứng dụng các công nghê mới để giảm giá thành phù hợp với khả năng kinh tế của đại bộ phận người dân.