Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ thất vọng vì dữ liệu lạm phát, Dow Jones mất hơn 400 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên ngày 10/4 khi dữ liệu lạm phát tháng 3 nóng hơn dự báo, có khả năng buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn kế hoạch nới lỏng chính sách như dự kiến.

Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên 10/4. Ảnh: CNBC
Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên 10/4. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 422,16 điểm, tương đương 1,09%, về mức 38.461,51 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,95% xuống 5.160,64 điểm, và Nasdaq Composite cũng sụt 0,84%, còn 16.170,36 điểm.

Ngoại trừ năng lượng, tất cả các nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đều nhuốm sắc đỏ khi đóng cửa phiên giao dịch. Bất động sản giảm 4,1%, dẫn dầu trong 11 nhóm cổ phiếu. Chỉ số S&P 500 liên tục biến động từ đầu tháng này trước những dự đoán về báo cáo lạm phát  tháng 3. 

Cổ phiếu ngân hàng và công nghiệp đồng loạt đi xuống do lo ngại việc Fed giữ lãi suất cao trong thời gian lâu hơn sẽ bóp nghẹt nền kinh tế. Trong đó, hai đại diện là JPMorgan Chase và Honeywell lần lượt giảm 0,9% và 1,4%.

Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn cũng lao dốc trong phiên, cụ thể Microsoft mất 0,7% và Apple sụt 1,1%. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 giảm 2,5%. 

Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI)  tháng 3 tăng 0,4% so với tháng trước và 3,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, các nhà kinh tế được Dow Jones dự báo mức tăng lần lượt là 0,3% và 3,4%.

Loại trừ biến động của giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,4% so với tháng 2 và 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với ước tính lần lượt là 0,3% và 3,7%. 

Lạm phát của Mỹ vẫn duy trì trên mốc 3% trong nhiều tháng qua. 

Dữ liệu mới nhất cho thấy nỗi lo lạm phát vẫn dai dẳng bất chấp nỗ lực của Fed. Nhà kinh tế trưởng Bill Adams của Comerica cho biết, giá dịch vụ vẫn đang “neo” ở mức cao hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Theo chuyên gia Adams, chỉ số CPI của Mỹ ngày càng khó chạm ngưỡng mục tiêu 2% khi vẫn tăng nóng trong quý I/2024 sau khi hạ nhiệt trong 2 quý trước đó.

Giám đốc chiến lược toàn cầu Seema Shah tại Principal Asset Management nhận định: “CPI tháng 3 tiếp tục tăng nhiệt cho thấy Fed sẽ phải thận trọng đối với quyết định nới lỏng chính sách và khó có thể bắt đầu hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6 tới”.

Ngoài ra, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong phiên giao dịch sau khi đón nhận biên bản cuộc họp chính sách tháng 2 của Fed. Biên bản cho thấy các quan chức lo ngại rằng lạm phát không hạ nhiệt đủ nhanh để hướng tới mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Mỹ. 

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường tương lai đã điều chỉnh xác suất Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 6 xuống chỉ còn 17%. Các nhà giao dịch đang đặt cược rằng đợt cắt giảm đầu tiên có thể diễn ra vào cuộc họp chính sách tháng 9. 

Vào tháng trước, thị trường dự báo Fed sẽ có 4 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng kỳ vọng hiện giảm xuống chỉ còn hai hoặc một. 

Trong phiên giao dịch ngày 10/4, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã nhảy vọt lên hơn 4,5% sau khi đón nhận báo cáo lạm phát. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm cũng tiến sát mức 5%. 

Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của Independent Advisor Alliance, cho biết: “Với các báo cáo kinh tế gần đây đều cao hơn dự kiến, Fed sẽ khó có thể ủng hộ việc cắt giảm lãi suất sớm”.

Theo ông Eric Diton, chủ tịch và giám đốc điều hành của The Wealth Alliance, thị trường Phố Wall đã cố gắng bỏ qua dữ liệu lạm phát nóng trong tháng 1 và tháng 2, song dấu hiệu giá cả tăng cao liên tục đã thúc đầy một đợt bán tháo trong phiên 10/4. Vị chuyên gia lưu ý: “Đây là một chất xúc tác. Tôi không nghĩ thị trường giá lên sẽ kết thúc. Tuy nhiên, tôi cho rằng báo cáo lạm phát là cái cớ để nhiều nhà đầu tư chốt lời”.