Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia chia sẻ sáng kiến công nghệ đảm bảo và kiểm soát chất lượng nước

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/3, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã diễn ra Hội thảo khoa học chất lượng nước – những kỹ thuật mới nhất trong đảm bảo và kiểm soát chất lượng” (VINALAB – JAIMA 2024) đồng thời khai mạc khu trưng bày thiết bị và công nghệ

TS Nguyễn Hoàng Linh phát biểu tại hội thảo.
TS Nguyễn Hoàng Linh phát biểu tại hội thảo.

Đây là sự kiện chào mừng ngày Nước thế giới 2024, đồng thời cũng là hoạt động thường niên tiếp nối thành công của hội nghị chuyên đề về ô nhiễm không khí và an toàn thực phẩm năm 2023. Hội thảo và trưng bày giới thiệu thiết bị và công nghệ lần này, tập trung vào các vấn đề nước và môi trường, hiện đang là chủ đề rất được quan tâm tại Việt Nam.

Hội thảo cũng đồng thời là cơ hội cho các nhà nghiên cứu hàng đầu từ Nhật Bản và Việt Nam, các công ty thành viên JAIMA và VINALAB thảo luận về cách phân tích công nghệ có thể góp phần vào việc quản lý và đảm bảo an toàn chất lượng nước, đồng thời tổ chức các cuộc thảo luận để giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể trong quản lý chất lượng nước sinh hoạt và nguồn nước tại các sông ngòi.

Một trong những điểm đặc biệt của VINALAB – JAIMA 2024 là hội thảo được tổ chức thảo luận song song về các chủ đề chuyên sâu trong giám sát chất lượng nước, với sự chủ trì của các chuyên gia là các nhà khoa học uy tín của Việt Nam và các diễn giả khách mời từ Nhật Bản.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, diễn giả có uy tín tham dự.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, diễn giả có uy tín tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch VINALAB cho biết, VINALAB – JAIMA 2024 không chỉ cung cấp những kiến thức mới về học thuật, về công nghệ; mà còn cung cấp cho các đại biểu những kiến thức mới về quản lý ứng dụng trong bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước trong nhiều lĩnh vực một cách hiệu quả và đáng tin cậy.

“Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của hàng trăm các nhà khoa học, các nhà công nghệ và các nhà quản lý ở trong nước và nước ngoài” – TS Nguyễn Hoàng Linh nói và bày tỏ sự tin tưởng hội thảo mang đến những thông tin mới nhất về khoa học công nghệ trong đảm bảo và kiểm soát chất lượng nước.

Trong khuôn khổ diễn ra hội thảo, nhiều chuyên gia, diễn giả đã chia sẻ những kiến thức hữu ích về vấn đề thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào giám sát chất lượng nước qua các bài tham luận khoa học có giá trị thực tiễn. 

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, khu trưng bày thiết bị và công nghệ đã chính thức được khai trương. Nhiều gian hàng thu hút được sự quan tâm, chú ý của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đến tham quan, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu nghiên cứu của mình.
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu nghiên cứu của mình.

Hội thảo đã lắng nghe nhiều tham luận, bài phát biểu tâm huyết của các chuyên gia, diễn giả. Có thể kể đến như PGS.TS Tạ Thị Thảo  - Trường Đại học khoa học Tự nhiên trình bày báo cáo “Một số ứng dụng chemometrics trong xử lý và khai phá dữ liệu phân tích nước”; Nhóm diễn giả do Thạc sỹ Đỗ Phương Hiền - Viện sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) báo cáo về “Tình hình xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT và Thông tư 26/2021/TT-BYT”; PGS.TS Cao Thế Hà - Trung tâm Green Cycle JC và Trung tâm CETASD (Trường Đại học Việt - Nhật) báo cáo về đề tài “Nước thải chăn nuôi lợn, thách thức hay cơ hội”.

Hội thảo còn có các báo cáo về giải pháp kỹ thuật mới nhất trong Kiểm soát và đánh giá chất lượng nước, nổi bật như: “Phân tích đặc điểm hóa chất vi nhựa trong các mẫu nước” của TS Dương Thanh Nghị - Viện Tài nguyên và Môi trường biển,  tham luận “Một số kỹ thuật tiên tiến trong xử lý nước và nước thải” của TS Trần Văn Sơn - Trường Đại học khoa học Tự nhiên... cùng các báo cáo chuyên đề về thiết bị phân tích hóa học, thiết bị phân tích sinh học, thiết bị phân tích nhanh ngoài hiện trường.