Công viên cho ai?

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tất nhiên, công viên phải được hiểu là cho mọi người dân chứ? Nhưng lâu nay, nhiều người đang hiểu, công viên là của nhà nước, thuộc nhà nước quản lý.

Cách hiểu này không sai nhưng chưa đủ, bởi công viên về bản chất là được quy hoạch, xây dựng cho mọi người dân được hưởng, với sự bình đẳng tuyệt đối.

Trước đây, chúng tôi từng chứng kiến hai trạng thái của một công viên ở TP Hồ Chí Minh: Công viên khép kín được rào chắn kỹ càng và công viên được mở hoàn toàn, phá dỡ hàng rào.

Công viên lúc được che chắn, như công viên Tao Đàn, hay công viên 23/9 (cùng ở quận 1, TP Hồ Chí Minh), rất ít người vào vì ngại. Họ không ngại trả tiền vé (chỉ hơi gợn trong lòng thôi) mà ngại vào đó ở nơi góc khuất này, góc khuất nọ cảnh tượng có thể không hay xảy ra, nhất là cảnh chích choác ma túy; nhiều kẻ sống vật vờ cũng dùng công viên làm nơi trú ngụ. Đi vào công viên là để nghỉ ngơi thư giãn mà trong lòng lại lo ngay ngáy thì vào làm gì? Do công viên vắng người nên gia đình gần như tuyệt đối cấm con em mình vào đây một mình. Nhiều công viên gần như chăm chăm lo thu tiền vé vào cổng, vé gửi xe máy… Vậy công viên đó cho ai? Không phải cho tất cả người dân.

Cũng những công viên kể trên, từ khi phá dỡ hàng rào, bỏ thu phí vào cổng để mọi người tự do vào ra đã mang diện mạo, không khí khác hẳn. Công viên Tao đàn tấp nập người vào ra, kẻ tìm chỗ đọc sách, người vào đánh cầu lông, người đi bộ lòng vòng… Công viên này từ khi mở thì con đường Trương Định từ đường Lý Tự Trọng chạy thông qua đường Nguyễn Thị Minh Khai tấp nập người qua lại… Dần dần nơi đây hình thành các khu vui chơi, giải trí, nhiều năm được tổ chức hội thi triển lãm cây cảnh, hoa Xuân rất hoành tráng, độc đáo…

Công viên 23/9 từ khi mở thông thoáng vắng bóng hẳn những tệ nạn xã hội, đơn giản là do đông người vào thì những kẻ hút chích, làm chuyện bậy bạ trong công viên không còn đất sống. Công viên này cũng là một trong những địa điểm để sinh viên tìm khách du lịch phương Tây để trau dồi khả năng nói ngoại ngữ.

Công viên Lê Văn Tám là nơi để vợ chồng ông bạn già của tôi vào đi bộ mỗi ngày, chống chọi với tình trạng béo phì, thừa cân.

Nói tóm lại, các công viên trở thành một phần cảnh quan chung của thành phố, thành của mọi người dân không phân biệt già trẻ, nam hay nữ, giàu hay nghèo…

Kể lại vậy bởi Hà Nội cũng đang chuẩn bị cho việc phá dỡ hàng rào những công viên, như công viên Thống Nhất. Đại đa số người dân ủng hộ việc này. Nhiều người còn bàn tới chuyện công viên phải làm cái nọ, cái kia khi “mở cửa”, như: Có phương án phân khu chức năng hợp lý, mở thêm không gian các loại hình vui chơi giải trí…

Riêng người dân chúng tôi nghĩ đơn giản: Trước hết cứ phá bỏ hàng rào công viên cho mọi người tự do vào chơi, thư giãn và tập thể dục cái đã, sau đó hẵng tính chỗ này thành quán nước, chỗ kia tập thể dục… Nhưng làm gì thì làm công viên vẫn ưu tiên cho cây cối phát triển, tạo khoảng xanh mát và là nơi mọi người vào thư giãn và tập thể dục với những loại hình đơn giản nhất; tránh biến tướng trở thành mặt bằng để thu hút lợi nhuận như mở quán ăn uống, câu lạc bộ thể dục - thể thao, trung tâm dạy ngoại ngữ…; đặc biệt tránh việc công viên trở nên ồn ào tiếng nhạc nhẽo, hãy ưu tiên cho tiếng hót chim trời (không phải chim trong lồng nha).

Cũng do đó, công viên - công trình phúc lợi công cộng cần được nhà nước chi tiền (cũng là tiền thuế của dân) để chăm sóc, bảo dưỡng, để phục vụ mọi người dân.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần