Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư công - quản trị tư trong văn hóa

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua việc kết hợp đầu tư công và quản trị tư, các quốc gia có thể tận dụng sự đa dạng của các nguồn lực tài chính và con người để bảo đảm sự phát triển sự nghiệp văn hóa của quốc gia mình.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa xã hội của Quốc hội: đầu tư công - quản trị tư trong lĩnh vực văn hóa đề cập đến hai khía cạnh quan trọng liên quan đến việc hỗ trợ và phát triển các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Đầu tiên, đầu tư công là việc Chính phủ hoặc các cơ quan quản lý của Nhà nước cung cấp tài trợ tài chính cho các dự án, tổ chức, hoạt động và thiết chế văn hóa.

Đầu tư công có thể bao gồm cả việc cấp tài trợ trực tiếp từ ngân sách công hoặc tạo ra các chương trình và quỹ để hỗ trợ phát triển và duy trì các ngành văn hóa, nghệ thuật, bao gồm việc xây dựng, duy trì và cải thiện các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, cũng như việc tài trợ cho các dự án nghệ thuật và công nghiệp văn hóa - sáng tạo.

Công trình Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Nam
Công trình Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Nam

Quản trị tư trong lĩnh vực văn hóa thường đề cập đến việc tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động văn hóa một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Nó liên quan đến việc quản lý tài chính, lập kế hoạch, xây dựng chiến lược và phát triển, tạo ra các sự kiện và chương trình văn hóa, nghệ thuật, cũng như quản lý nguồn lực con người và cơ sở vật chất.

Quản trị tư trong lĩnh vực văn hóa cũng có thể bao gồm việc tạo ra các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị để thu hút khán giả và tạo doanh thu cho các hoạt động văn hóa.

Mô hình “đầu tư công, quản trị tư” trong lĩnh vực văn hóa mang lại một loạt lợi ích quan trọng bằng cách kết hợp sự hỗ trợ từ nguồn tài chính công cộng và khả năng quản lý, linh hoạt của các tổ chức và cá nhân trong việc phát triển và duy trì các hoạt động văn hóa. Qua đó, hiện thức hóa tầm nhìn và quy hoạch quốc gia; tối ưu hóa sử dụng nguồn lực tài chính và nhân lực; tạo động lực tư duy sáng tạo và tăng cường khả năng thích ứng cho các tổ chức; tăng cường quản trị và hiệu quả…

Trên thế giới, đầu tư công, quản trị tư là một hình thức quản lý văn hóa khá phổ biến. Ở Mỹ, hầu hết các bảo tàng đều là các tổ chức phi lợi nhuận. Không giống như mô hình tại hầu hết các nước khác trên thế giới, nơi mà bảo tàng chủ yếu được chính phủ hỗ trợ, các bảo tàng ở Mỹ duy trì hoạt động của bằng cách kết hợp nhận tài trợ từ nhiều nguồn, từ chính phủ, khu vực tư nhân và ngày càng nhiều từ thu nhập tự kiếm được.

Theo luật pháp tại Mỹ, điều này giúp cho các bảo tàng được miễn các khoản thuế quan trọng, đặc biệt là thuế tài sản, đất đai ở những vị trí đắc địa ở các đô thị.

Có bốn khoản tài trợ chính cho bảo tàng, bao gồm các khoản tài trợ từ chính phủ, đóng góp từ tư nhân, thu nhập kiếm được và thu nhập từ đầu tư. Hỗ trợ từ chính phủ đến từ các cơ quan ở tất cả các cấp - liên bang, bang và địa phương, chiếm hơn 24% doanh thu hoạt động của các bảo tàng, và đang có xu hướng giảm. Phần lớn doanh thu hoạt động của viện bảo tàng (38%) đến từ các nhà tài trợ trong lĩnh vực tư nhân, bao gồm cá nhân, tổ chức từ thiện và các quỹ từ thiện, cũng như các nhà tài trợ từ các công ty.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa xã hội của Quốc hội, để hình thành nên hệ thống các giải pháp tổng thể rất cần thiết hiện thực hóa mô hình này và yếu tố đầu tiên là nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là của đội ngũ lãnh đạo, quản lý về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện mô hình đầu tư công - quản trị tư, để từ đó xây dựng thể chế, chính sách, hành động phù hợp.

Tóm lại, việc triển khai mô hình “đầu tư công - quản trị tư” là bước đi quan trọng để thúc đẩy quản lý văn hóa tại Việt Nam. Điều đó tạo cơ hội cho sự phát triển đa dạng và sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời đóng góp vào mục tiêu xây dựng một đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Để thực sự thể hiện vai trò của văn hóa như một nguồn lực quý báu, việc kết hợp nguồn tài chính công và tư nhân là chìa khóa để thực hiện tầm nhìn này.