Không còn nữa “khu công nghiệp Cao - Xà - Lá” lẫy lừng một thuở với những ống khói tựa như dấu ấn khó phai của Hà Nội những năm 1970 - 1990, với mùi khen khét của cao su, mùi hăng hắc của xà phòng, mùi vani ngất ngây của thuốc lá… Quả là, cuộc sống không ngừng đổi thay, đô thị hóa luôn mang đến cho Hà Nội diện mạo mới, chỉ có lòng người sống bằng hoài niệm là hay bâng khuâng, hối thúc miền nhớ thương thức dậy…
Một thuở vàng son
Hơn 40 năm trước, ngày nào tôi cũng lọc cọc chiếc xe đạp cà tàng qua Ngã Tư Sở lên đây, khu Cao - Xà - Lá ở bên tay trái, còn tôi rẽ phải để vào giảng đường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên). Ngày nào cũng ngang qua “lộ trình hương vị”: cao su sống khen khét, đằng đặc trong cổ; đến mùi xà phòng hăng hắc mà lại thoang thoảng hương Ngọc Lan; rồi đến mùi thuốc lá nồng nặc nhưng ngọt lừ hương vani. Lâu dần thành quen, ngày nào không “chạm” được vào những mùi vị ấy, không nhìn thấy những cột khói bốc cao trên nền trời, là thấy thiêu thiếu, thấy nhớ thương lạ kỳ.
Cho đến tận những năm tháng sau này, khi đã rời giảng đường trường Tổng hợp trở thành một giảng viên đại học, rồi thành một ông giáo già về hưu quẩn quanh với sách vở, tôi vẫn cứ vấn vương hương vị và những cột khói lan tỏa ấy.
Không nhớ sao được, thời ấy Cao - Xà - Lá với cụm Nhà máy cao su Sao vàng, Nhà máy Xà phòng Hà Nội và Nhà máy thuốc lá Thăng Long là một trong những khu công nghiệp đầu tiên của Hà Nội sau giải phóng. Người ta đã làm thay đổi một vùng đất hoang vu, toàn ao chuông, cánh đồng một thuở thành một khu công nghiệp hiện đại, được mệnh danh là tổ hợp công nghiệp sầm uất bậc nhất Thủ đô những năm 1970 - 1990.
Bởi khu công nghiệp Thượng Đình, ngoài tổ hợp Cao - Xà - Lá còn có Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Nhà máy Giày vải Thượng Đình hay gần Ngã Tư Sở có Nhà máy Cơ khí chính xác… góp thêm cái sầm uất, rộn ràng của không khí sản xuất công nghiệp. Tiếng máy chạy, những cột khói bốc cao thời nào là niềm tự hào không chỉ của riêng người Hà Nội. Đồng hành với các nhà máy này là cả một quá trình đô thị hóa rầm rộ cùng những đổi thay về lối sống, mà bằng chứng là sự ra đời một loạt các khu tập thể cơ quan, các tiểu khu nhà ở như là khu Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam… Nó làm thành một diện mạo đô thị mới, như thể dấu chân thời đại đặt lên đó, làm thành ký ức đậm sâu của nhiều thế hệ người Hà thành.
Tôi nhớ, một nhà nghiên cứu về di sản đã nói rất đúng: Tổ hợp Cao - Xà - Lá là quần thể tiêu biểu cho mô hình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa Việt Nam giai đoạn đầu xây dựng đất nước. Không chỉ mang giá trị kiến trúc, đây còn là những công trình mang dấu ấn lịch sử phát triển kinh tế - xã hội, ký ức và hình ảnh về đô thị Hà Nội một thời. Nghĩa là nơi cất giấu nỗi nhớ hương vị tha thiết trong lòng tôi ấy, chứa đựng trong nó những giá trị về di sản công nghiệp rất đáng giá.
Người hoài cổ hay nhớ thương quá khứ, nhất là khi sương khói đã phủ trắng mái đầu. Trong ký ức mênh mông mang tên Hà Nội của tôi, ngoài khu Cao - Xà - Lá khăng khít thời sinh viên, còn có cả hình bóng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - nơi những chuyến tàu khởi hành đưa tôi đến những điểm hẹn trong niềm đam mê bục giảng. Nhớ thương cứ đồng hành với mộc mạc mà ăm ắp tự hào, bởi nơi này như một kho tàng sống về ký ức một thuở vàng son của ngành đường sắt Việt Nam và ngành công nghiệp Hà Nội.
Những “đầu máy Tự lực” chạy bằng hơi nước năm 1905 cùng công xưởng đồ sộ đóng mới gần 1.200 toa xe, sửa chữa hơn 120 đầu máy và 600 toa xe/năm… đã hằn sâu trong ký ức tự hào không chỉ của người Hà Nội một thời. Đây lại còn là một trong những công trình kiến trúc mang phong cách Pháp đẹp nhất thời đó, sóng đôi cùng cầu Long Biên duyên dáng.
Ký ức yêu thương trong tôi còn ghi hình bóng cả Nhà máy Bia Hà Nội - nhà máy bia đầu tiên ở Hà Nội và thứ 2 ở Việt Nam, sau “Bia Larue” ở Sài Gòn năm 1875. Thế hệ chúng tôi, ai là người chưa từng biết đến “bia mậu dịch”, ai không hào phóng đãi nhau những cốc bia hơi mang tên vùng đất mà mình đang sống?
Quả thực, sự xuất hiện của Nhà máy Bia Hà Nội đã làm thay đổi ẩm thực đường phố Hà thành, thay đổi một lối sống vốn kín đáo và riêng tư nơi đô hội. Đấy cũng là một công trình kiến trúc đẹp của Hà Nội với khu điều hành là các biệt thự nhỏ 2 - 3 tầng xếp trên địa hình dốc nhẹ, khu sản xuất là các công trình xây dựng trong nhiều thời kỳ, nổi bật là 3 biệt thự theo phong cách địa phương Pháp và 3 nhà xưởng xây dựng trước năm 1945…
Ký ức ngọt ngào và đáng tự hào đến thế, làm sao có thể lãng quên dù tháng năm có phủ rêu phong lên những bức tường nhà máy cũ.
Nỗi niềm hôm nay
Đi tìm dấu xưa trên nền nhà máy cũ hôm nay thấy những đổi thay dập dồn trên phố xá. Tổ hợp Cao - Xà - Lá lừng lững ngày xưa giờ như “co mình” lại giữa bốn bề biển hiệu, hộ kinh doanh, nhà dân, giữa chót vót các chung cư cao tầng cùng các trụ khối bê-tông của tuyến đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông. Quyết định số 3952/QĐ-UBND ngày 08/8/2023 của UBND TP về việc ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn (đợt 1) đã “chấm” 9 cơ sở nhà, đất phải di dời ra khỏi khu vực nội đô trong vòng 5 năm, trong đó có tên Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bia Hà Nội…
Cũng phải thôi, đô thị hóa là xu hướng tất yếu; công xưởng, nhà máy và khu công nghiệp không thể “sát vách” khu dân cư; vấn đề môi trường là điều luôn phải tính tới nơi Thủ đô đang ngày đêm chuyển mình trong hành trình chỉnh trang và tái thiết đô thị. Song nỗi tiếc nhớ một thuở vàng son thì vẫn không thể chối từ…
L
ại chợt nhớ, vào tháng 11 năm ngoái, UBND TP cũng đã có Phương án số 01/PA-UBND tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP gửi Bộ Nội vụ. Trong đó có một nội dung khiến những người hoài cổ như tôi thấy được an ủi, đó là đề xuất liên quan đến các khu đất đang có nhiều nhà máy, công xưởng lâu năm có những yếu tố đặc thù, ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, công nghệ của Thủ đô và cả nước, cần được công nhận là di sản công nghiệp.
Cụ thể là phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) với tổ hợp Cao - Xà - Lá, sau khi di dời sẽ xây dựng các khu đô thị dự kiến quy mô dân số 46.000 người; là phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) với Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Nhà máy Giày Thượng Đình, sau khi di dời sẽ xây dựng các khu đô thị dự kiến quy mô dân số 48.000 người…
Vậy thì trong tương lai, khi khu công nghiệp một thời này biến thành các tòa cao ốc, các di sản công nghiệp mang dấu ấn nơi này sẽ hiện hình thế nào?
Giới nghiên cứu văn hóa, di sản Việt Nam đã từng làm cuộc khảo sát sâu 10 nhà máy có giá trị nổi trội về giá trị kiến trúc và lịch sử của Hà Nội, nhận ra dấu ấn di sản rõ rệt của những nhà máy thuộc diện phải di dời kia. Ứng xử sao đây với những địa chỉ vàng son một thời thực sự là một bài toán cần lời giải hiệu nghiệm để những người luôn cất giấu Hà Nội trong trái tim như tôi không nặng lòng ôm lấy nỗi thất vọng khi nhìn về hành trình đô thị hóa của mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Thực ra việc giữ lại những di sản mang dấu ấn một thời để cho thế hệ hôm nay và mai sau ở Hà Nội không phải là mới. Điển hình Di tích Nhà tù Hỏa Lò là một minh chứng sống để các nhà làm quy hoạch nghiên cứu, các sở, ngành tham mưu cho lãnh đạo TP quyết định giữ hay bỏ những công trình mang dấu ấn di sản này.
Dẫu vậy, tôi vẫn vững chắc một niềm tin rằng rồi đây những địa chỉ đỏ này sẽ là địa danh đi vào lịch sử TP, bởi các nhà máy cũ có vai trò lịch sử, vai trò di sản, vai trò kể chuyện về một thời của Hà Nội. Nói như KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích thật đúng: “Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm thực tế là di dời nguồn gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, áp lực giao thông và dây chuyền sản xuất ra khỏi khu vực nội đô, còn lại phần “vỏ” của nhà máy có thể bảo tồn một phần với những công trình mang tính biểu tượng để giữ lại những dấu ấn, giá trị về lịch sử, văn hóa.
Đó chính là giá trị phi vật thể của di sản công nghiệp để tạo ra những không gian sáng tạo có giá trị”. Bởi trên thế giới đã có rất nhiều nhà máy cũ được bảo tồn theo hướng tái sử dụng thích nghi, từ đó mở ra các hướng khai thác thực sự thú vị và hữu dụng.