Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để doanh nghiệp “cưỡi trên ngọn sóng số”

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, khi mỗi khách hàng trung bình nhìn thấy hơn 2.000 quảng cáo mỗi ngày, đổi mới sáng tạo trở thành bài toán chiến lược cho DN...

Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo đóng vai trò là một sự kích thích cho lợi thế cạnh tranh có tính bền vững trong các DN.

Tạo lợi thế cạnh tranh, đáp ứng guồng quay thời đại

Trong xu thế phát triển hiện nay, bất kỳ các loại hình DN ở mọi quy mô, ngành nghề, nếu nhanh chóng chuyển đổi quy trình làm việc từ thủ công sang số hóa, khai thác dữ liệu, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình sẽ nắm bắt được cơ hội từ xu thế phát triển của thị trường, đưa DN cạnh tranh và vươn lên. Ngược lại, nếu chậm thay đổi, các DN sẽ sớm tụt hậu, bị đẩy ra khỏi cuộc chơi.

Để tăng tốc trong kỷ nguyên số, đòi hỏi các DN Việt Nam phải đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng doanh thu lợi nhuận, giảm chi phí, từ đó tạo những lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, nâng cao uy tín, vị thế của DN.

Chia sẻ thực tế từ DN, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Văn Thời cho hay, phương châm của TNG là phát huy văn hóa tự chủ, sáng tạo trong tất cả các hoạt động của công ty, như sáng tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, cách thức chăm sóc khách hàng đạt hiệu quả cao.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Ngọc Hiếu, Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Ngọc Hiếu, Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thời gian qua, TNG đã trao quyền tự chủ cho nhân viên, nhóm sản xuất, để người lao động tự quản lý khối lượng công việc của mình, chủ động đóng góp ý tưởng, giải pháp và lên các kế hoạch, dự án.

Kết quả các bộ phận, phòng ban, đơn vị đều thực hiện một cách năng nổ, tích cực hơn. Kết thúc quý I/2023, doanh thu tiêu thụ công ty đạt 1.335 tỷ đồng, tăng 75 tỷ đồng với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 6% so mới cùng kỳ.

“Qua những thành quả thu được, chúng tôi nhận thấy đây là một trong những cách tốt nhất để tạo ra môi trường làm việc tích cực, nâng cao chất lượng và hiệu quả cho DN” - ông Nguyễn Văn Thơi nhấn mạnh.

Cũng là một thương hiệu đình đám ở Việt Nam, hãng Taxi Mai Linh vẫn giữ được “ngôi vương” của mình ở thị trường vận chuyển hành khách sau bao thử thách. Chia sẻ về bí quyết sống còn của DN, Chủ tịch Tập đoàn taxi Mai Linh Hồ Huy cho rằng, đổi mới, sáng tạo là chìa khóa. DN chỉ có thể tồn tại và phát triển bền vững, có sức cạnh tranh trên thị trường khi tự thân đổi mới, sáng tạo.

Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo

Theo ông chủ hãng taxi Mai Linh, hoạt động đổi mới sáng tạo không phải chỉ diễn ra một lần mà DN phải liên tục không ngừng. Có nhiều yếu tố quyết định năng lực đổi mới sáng tạo của DN, đó là sự quan tâm của lãnh đạo, năng lực sáng tạo của đội ngũ, khả năng nắm bắt và xử lý thông tin và sự đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.

Cùng chung quan điểm trên, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nêu quan điểm, đổi mới sáng tạo không chỉ là một đích đến mà là cả một quá trình liên tục đưa ra những ý tưởng mới và thử nghiệm.

Và cách duy nhất để làm điều đó là xây dựng văn hóa đổi mới trong chính nội bộ DN. Để xây dựng văn hóa sáng tạo, mọi thành viên trong tổ chức đều phải tham gia. Đồng lòng hiện thực hóa những đổi mới – những ý tưởng mới có thể sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng không có nghĩa là cần phải bác bỏ.

TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh thêm, bản thân lãnh đạo các DN phải đặt câu hỏi mong muốn phát triển thế nào trong tương lai và lên kế hoạch để hiện thực hóa tầm nhìn đó.

Trước hết các DN phải hiểu rõ các nguyên tắc, từ đó xây dưng chiến lược cho đổi mới sáng tạo. Khi xác định, và có câu trả lời về mong muốn như thế nào, xây dựng được lộ trình cho ý tưởng đổi mới sáng tạo từ con số 0, các DN sẽ tìm ra được giải pháp thực thi ý tưởng và lựa chọn mô hình tổ chức phát triển.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là chủ trương quan trọng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo đó, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, hướng đến mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, tự chủ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế” - Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

 

Chìa khóa của sự phát triển Quốc gia ở thời điểm hiện tại nằm ở 2 cụm từ quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo. Đây là đôi cánh của nền kinh tế. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng 4.0, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn với cộng đồng DN. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - TS Vũ Tiến Lộc