Bài 1: Không đứng ngoài dòng chảy công nghiệp hóa
Bài 2: Trỗi dậy sau đại dịch
Nghệ sĩ sân khấu đã nhạy bén hơn với thị hiếu và mong muốn của khán giả để từ đó xây dựng chương trình nghệ thuật chất lượng cao nhưng phù hợp và thỏa mãn nhu cầu của công chúng.
Đầu tư xây dựng nhà để hát
Trong năm 2023, Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ khởi công xây dựng trụ sở mới tại phố Hồng Mai (Hà Nội), bao gồm cả một rạp diễn có sức chứa khoảng 200 người. Có thể, câu chuyện này không thu hút được sự chú ý quá nhiều của dư luận. Nhưng với người trong nghề, đây là một cột mốc quan trọng, khi nó chấm dứt một nghịch lý trong hàng chục năm qua, đơn vị sân khấu cải lương lớn nhất miền Bắc này dù vẫn đều đặn dựng vở và biểu diễn nhưng lại không hề có một nhà hát riêng.
Vì nhiều lý do, việc sở hữu địa điểm biểu diễn tại Hà Nội của các đơn vị sân khấu thuộc Bộ VHTT&DL luôn là một câu chuyện dài. Điển hình, Nhà hát Tuồng Việt Nam nhiều năm cũng ở vào cảnh ngộ tương tự, trước khi tiếp nhận rạp Hồng Hà năm 2002.
Nhà hát Chèo Việt Nam từng có hơn chục năm “ngồi chờ” dự án hoàn thiện rạp Kim Mã. Còn Nhà hát Kịch Việt Nam, đến giờ, sân khấu biểu diễn chính vẫn chỉ là khán phòng hơn 100 chỗ ngồi, nằm khuất sau Nhà hát Lớn hiện tại. Nhưng so với những trường hợp ấy, việc hoàn toàn không có một rạp diễn riêng vẫn khiến Nhà hát Cải lương Việt Nam lận đận hơn cả.
Đơn cử, những năm qua với tần suất trung bình khoảng 2 vở diễn/năm, Nhà hát thường xuyên phải thuê các rạp Hồng Hà, Âu Cơ để biểu diễn với mức phí trung bình mỗi đêm từ 20 - 30 triệu đồng.
Không chỉ là một thiệt thòi cho việc phục vụ khán giả Thủ đô, sự thiếu vắng ấy còn là gánh nặng lớn cho Nhà hát trong lộ trình tự chủ tài chính theo chủ trương chung của Nhà nước khi mọi bài toán về biểu diễn đều phải tính đến vấn đề này.
Đối với nghệ thuật cải lương Thủ đô, từ tháng 6, rạp Chuông Vàng của Nhà hát Cải lương Hà Nội ở địa chỉ 72 Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã mở cửa trở lại sau 5 năm không đón khách để sửa chữa, nâng cấp. Nhà hát cũng đã khởi công dàn dựng hai vở diễn mới tại đây là “Trời Nam” và “Những đứa con oan nghiệt”, đồng thời có nhiều dự định để nơi đây không chỉ là điểm hẹn của những người yêu nghệ thuật cải lương, mà còn là một địa chỉ văn hóa của Thủ đô. Đơn vị cũng dự kiến đưa chương trình biểu diễn tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận dịp cuối tuần trở về rạp để nơi đây sáng đèn thường xuyên.
Tuy rạp của hai nhà hát cải lương đứng chân trên địa bàn Hà Nội không lớn, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng đối với nghệ thuật cải lương phía Bắc. Khi có “nhà để hát”, các đơn vị sẽ chủ động hơn về lịch diễn, tổ chức những chương trình nghệ thuật phù hợp để đưa cải lương đến với khán giả trong tương lai. Điều này cũng sẽ giúp hai nhà hát dễ thở trên lộ trình tự chủ về tài chính theo chủ trương của Bộ VHTT&DL và TP Hà Nội.
Đổi mới tư duy
Khác với trước, công chúng hiện nay có thêm nhiều phương thức, phương tiện để tiếp cận với văn hóa - nghệ thuật, cùng với đó là những tiêu chuẩn được nâng cao hơn, khắt khe hơn và rõ tính đặc thù hơn. Trước kia, các đơn vị nghệ thuật đơn thuần làm sáng tạo nghệ thuật, ngày nay, họ cần thêm sự nhạy bén về thị hiếu, thị trường, hiểu được tâm lý và nguyện vọng của khán giả để từ đó xây dựng chương trình nghệ thuật chất lượng cao nhưng phù hợp và thỏa mãn nhu cầu của khán giả.
Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức đã nhạy bén vận dụng quy trình sản xuất sản phẩm văn hóa đại chúng để đưa các loại hình nghệ thuật sân khấu đến gần hơn với khán giả. Đơn cử, cải lương đã kết hợp với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác để tạo sự độc đáo, như: Chèo, chầu văn, xẩm.
NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: Thời gian qua, chúng tôi đã thử nghiệm kết hợp dựng các vở cải lương với xiếc, như: “Cây gậy thần”, “Thượng thiên Thánh Mẫu”. Đây là hai vở diễn trong dự án nghệ thuật huyền sử Việt kể về tứ bất tử trong văn hóa dân gian Việt Nam. Bước đầu gặt hái được thành công và thu hút khán giả.
Tương tự, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người xem, Nhà hát Múa rối
Việt Nam cũng xây dựng chương trình “Cùng trải nghiệm với nghệ thuật múa rối nước truyền thống”, đưa bộ môn nghệ thuật đặc sắc này đến với trường học để học sinh thưởng thức tác phẩm, trải nghiệm biểu diễn và làm ra các con rối.
Về nội dung các chương trình, hoạt động đưa nghệ thuật truyền thống đến với khán giả trẻ, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, các tiết mục, chương trình tham gia vẫn phải giữ sự chuẩn mực, khoe được đặc trưng của từng môn nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, sẽ dễ thu hút hơn khi các đơn vị lồng ghép những thông điệp thời sự được giới trẻ quan tâm và tăng cường hoạt động tương tác, trải nghiệm.
Điểm đến thu hút khán giả
Tới dự một chương trình biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Tuồng Việt Nam trên phố đi bộ mới cảm nhận đầy đủ sự khao khát được cống hiến của người nghệ sĩ. Đáng mừng hơn, đối tượng tới xem Tuồng truyền thống rất đa dạng, từ người lớn tuổi cho tới học sinh, sinh viên và cả trẻ em, không ít người ngồi xem hết mấy tiếng đồng hồ mới đứng lên ra về.
Trưởng đoàn thể nghiệm Nhà hát Tuồng Việt Nam - NSƯT Lộc Huyền chia sẻ: “Hai đoàn của Nhà hát thay nhau diễn được 4 buổi ở điểm này rồi. Ban giám đốc và phụ trách các đơn vị đều quán triệt các anh chị em nghệ sĩ phải tập luyện thật tốt, kỹ lưỡng để tạo ấn tượng đẹp đối với người xem. Đã lâu không biểu diễn, giờ được mọi người nồng nhiệt đón nhận, nghệ sĩ chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi và ai cũng nỗ lực với vai diễn để thu hút khán giả đến xem đông hơn”.
“Show Rối nước Bông sen” vào 16 giờ thứ 7 hằng tuần tại 16 Lê Thái Tổ,
Hà Nội đã chính thức khởi động lại. Chương trình là sự kết hợp giữa Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam và Nhà hát Múa rối Việt Nam có giá vé ưu đãi (100.000 đồng/1vé) và mua 5 vé chỉ tính tiền 4. Sự trở lại của du khách nước ngoài đánh dấu một mùa du lịch mới đang được tăng tốc mở cửa trên địa bàn Thủ đô.
Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, NSƯT Quỳnh Trang chia sẻ: “Với tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, Nhà hát chúng tôi đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống sân khấu, trang thiết bị và đưa ra những kịch mục hấp dẫn, kết hợp giữa nghệ thuật múa rối nước và ca múa nhạc đương đại với màu sắc mới, vui nhộn nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống để nâng cao chất lượng phục vụ.
Tóm lại, để sân khấu hái ra tiền phải đổi mới, thay đổi theo từng giai đoạn. Thực tế đã nhiều sân khấu phải đóng cửa, dừng hoạt động nhưng sân khấu truyền thống vẫn tồn tại dù có lúc thịnh, lúc suy.
Hiện nay, sân khấu truyền thống phải linh động tìm ra cho mình hướng đi, không thụ động ngồi chờ cơ chế, chính sách. Tất cả những động thái này của các nhà hát không chỉ để duy trì "miếng cơm manh áo" mà còn hướng đến mục tiêu xa hơn là để nghệ thuật truyền thống hái ra tiền, góp phần vào hiện thực hóa chủ trương công nghiệp hóa văn hóa của Việt Nam.
"Việc thay đổi trong hoạt động sân khấu là điều tất yếu, phải làm ngay. Trước kia, các đơn vị và nghệ sĩ sân khấu Thủ đô chỉ đơn thuần sáng tạo, xây dựng vở diễn, chương trình nghệ thuật. Nhưng nay, họ phải thêm sự nhạy bén về thị trường, nắm bắt tâm lý và nguyện vọng của khán giả. Từ đó, mỗi đơn vị bắt đầu quy trình xây dựng tác phẩm, mời ê kíp sáng tạo gồm tác giả, đạo diễn, diễn viên và các thành phần sáng tạo phù hợp với ý tưởng; đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất từ sân khấu đến âm thanh, ánh sáng; sử dụng công nghệ thông tin; có chiến lược để tiếp cận khán giả." - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - NSND Trung Hiếu
"Thủ đô phải xây dựng cơ chế, chính sách cho các đơn vị nghệ thuật sáng tạo các mô hình kinh doanh nghệ thuật mới, gắn với nhu cầu thị trường, để thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, đổi mới, kích thích các tài năng và nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nghệ thuật, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa." - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội - NSND Trần Quốc Chiêm