Doanh nghiệp vận tải đắn đo giảm giá cước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dường như đã trở thành một định luật bất biến, hễ giá xăng dầu giảm là ngay lập tức có nhiều ý kiến thắc mắc kiểu như: Tại sao xăng dầu giảm mà giá vận tải vẫn đứng yên?

Giá nhiên liệu “khiêu vũ say sưa”

Từ 15 giờ ngày 20/7, xăng A92 giảm giá 260 đồng/lít; xăng E5 (pha 5% ethanol) giảm 425 đồng/lít, dầu diesel 0,05S giảm 1.112 đồng/lít, đây là kết quả của đợt điều chỉnh theo chu kỳ thường xuyên 15 ngày/lần. Nhịp độ điều chỉnh liên tục, giá lên xuống luôn gây bất ngờ, không có một xu hướng nào rõ rệt khiến các DN vận tải gặp nhiều bối rối. Cứ nửa tháng giá lại điều chỉnh, khi thì xăng lên, dầu xuống, khi thì ngược lại, hoặc cả hai cùng lên, cùng xuống. Đến ngay cả người dân cũng cảm thấy “chóng mặt” với xung nhịp dao động của giá nhiên liệu chứ chưa nói đến DN vận tải. 
Xe tải và xe khách cỡ lớn có giảm cước khi giá dầu đã giảm sâu
Xe tải và xe khách cỡ lớn có giảm cước khi giá dầu đã giảm sâu?
Đại diện một DN vận tải tại Hà Nội chia sẻ: “Giá nhiên liệu thất thường, lại không có tín hiệu gì báo trước khiến DN vận tải vừa thụ động trong điều chỉnh giá, vừa phải chịu sức ép dư luận”. Thật vậy, việc điều chỉnh giá cước vận tải còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Nhiên liệu, lương, phí đường bộ, giá sửa chữa… Tất nhiên giá nhiên liệu tăng giảm sẽ tác động trực tiếp đến giá cước, nhưng mức độ tác động đó có thực sự lớn hay không lại là chuyện khác. Trong lần điều chỉnh này, giá xăng, dầu đều giảm nhưng tính chung 4 lần điều chỉnh gần đây thì giá xăng tăng còn dầu lại giảm. Bên cạnh đó, lương cơ bản đã tăng từ 7 - 8%, với mỗi chiếc xe DN lại phải nộp 2 loại phí đường bộ, 1 loại thu theo đợt, 1 loại nộp theo lượt trên các tuyến đường vận chuyển liên tỉnh, đặc biệt các tuyến được làm theo diện BOT. Ngoài ra, giá phụ tùng thay thế, công sửa chữa cũng đã tăng từ 10 - 20% trong khoảng 2 năm trở lại đây. Với nhiều yếu tố chi phối như vậy, các DN vận tải khó lòng mà điều chỉnh cước theo nhịp độ của giá xăng dầu.

DN vận tải cần sự ổn định

Ông Bùi Danh Liên- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, chưa DN vận tải nào của TP có văn bản thông báo giảm cước. Điều đó là dễ hiểu, bởi giá nhiên liệu chỉ là một trong nhiều yếu tố chi phối cước vận tải, bên cạnh đó nếu cứ 15 ngày lại tăng hoặc giảm giá cước thì DN nào chạy theo cho được. Cũng có ý kiến cho rằng hiện giá dầu đã giảm khá sâu: 2.300 đồng/lít so với thời điểm đầu năm 2015, vậy nên giá cước vận tải của các loại xe trên 16 chỗ ngồi cần điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, chính loại hình vận tải này lại chịu mức phí đường bộ (cả 2 loại) cao nhất, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, hao mòn cũng lớn nhất; mặt khác, thị trường vận tải ngày càng cạnh tranh khốc liệt, chất lượng phục vụ buộc phải ngày càng nâng cao, mà muốn nâng cao chất lượng thì phải đầu tư nhiều vào nhân lực và vật chất, dịch vụ… Mà mỗi lần giảm cước thì dễ, tăng lên lại rất khó được chấp nhận, tăng giảm nhiều thì bất ổn lớn, các DN vận tải còn thận trọng là vì như thế. 

Việc tăng giảm liên miên giá xăng dầu chẳng những khiến DN thụ động trong hạch toán, kinh doanh còn khiến họ chịu áp lực không nhỏ từ phía khách hàng. Đa số khách hàng chỉ nghĩ rằng giá nhiên liệu giảm thì cước phải giảm chứ không hề tính đếm đến những chi phí khác của DN, đặc biệt là mức phí đường bộ đang ngày một chồng chất, nặng nề. Thực ra, khi nhiên liệu giảm sâu tới một mức thực sự tác động rõ rệt đến chi phí đầu vào, tự các DN sẽ giảm giá cước như một lợi thế cạnh tranh. Nhưng trước mắt, giá xăng dầu trong nước vừa có sự chênh lệch lớn với thế giới, lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: Giá nhập khẩu, thuế phí, mức hỗ trợ từ quỹ bình ổn, nhịp độ điều chỉnh… nên cực kỳ bất ổn và khó lường. Điều đó lý giải vì sao các DN vận tải vẫn đang dè chừng, đắn đo việc giảm giá cước. “Trên hết, chúng tôi cần sự ổn định” - Vị đại diện DN vận tải nêu trên nói.