Doanh nhân và khát vọng Việt Nam hùng cường

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khơi dậy khát vọng phát triển, tháo bỏ mọi nút thắt và hoàn thiện hơn nữa thể chế kinh tế thị trường… là những giải pháp để xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt lớn mạnh, những "sếu đầu đàn" giúp xây dựng Việt Nam hùng cường.

Đó là chia sẻ của Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.

TS Võ Trí Thành
TS Võ Trí Thành

Lực lượng xung kích đóng góp cho nền kinh tế
Ông nhận xét thế nào về vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới hiện nay?

- Trong công cuộc đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang trở thành lực lượng xung kích, đóng góp không nhỏ vào những thành tựu của đất nước. Đến nay, Việt Nam đang có khoảng trên 7 triệu doanh nhân, khoảng 900.000 DN. Khu vực này cũng đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân còn tạo công ăn việc làm, cũng như an sinh xã hội, phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Trong Bảng xếp hạng Top 500 DN tăng trưởng nhanh Việt Nam năm 2023 do Vietnam Report và VietNamNet công bố mới đây, DN tư nhân chiếm đại đa số với 82,4% (năm 2022 là 84,0%).Tỷ lệ này một lần nữa góp phần khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân như lực kéo quan trọng dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng.

Vai trò của kinh tế tư nhân cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn khi khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; nhiều sáng kiến, đổi mới và sự đột phá được xuất phát chính từ các DN tư nhân. Đã xuất hiện những DN tư nhân có quy mô lớn cả về vốn và công nghệ cao như Vingroup, T&T Group, Thaco, Vietjet, Vinamilk… với thương hiệu không chỉ được ghi nhận ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường khu vực và quốc tế.

Điểm yếu của các doanh nhân Việt Nam hiện nay là gì và cần phải khắc phục như thế nào, thưa ông?

- Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các DN tư nhân Việt Nam vẫn luôn phải đối mặt với những thách thức khi kinh tế thế giới dù đã có những tín hiệu được cải thiện nhưng vẫn đang tiếp tục khó khăn, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, sự cạnh tranh ở thị trường trong nước và sự bó hẹp của thị trường xuất khẩu. Ở trong nước, sản xuất khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động suy giảm, sức mua thấp, thị trường ảm đạm.

Bên cạnh đó, khó khăn cản trở các DN tư nhân Việt Nam phát triển là chi phí kinh doanh (thuê mặt bằng, tiền lương, bảo hiểm…), chi phí vốn, chi phí vận tải cao so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất đối với khu vực kinh tế tư nhân là môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, thiếu nhất quán và chồng chéo. Điều mà các DN tư nhân cần không phải là sự hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt mà là hệ thống pháp luật kinh doanh minh bạch, công bằng và lành mạnh với các thủ tục hành chính, thủ tục tiếp cận đất đai, nguồn lực tài chính đơn giản và thuận tiện.

Xây dựng "sếu đầu đàn", tăng cường năng lực nội sinh

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, thay thế Nghị quyết 09-NQ/TW khóa XI sau 12 năm. Nghị quyết 41-NQ/TW xác định có chính sách đột phá để hình thành, phát triển DN dân tộc, DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu… Ông đánh giá như thế nào về khả năng thực hiện nhiệm vụ này của doanh nhân Việt?
- Nền kinh tế Việt Nam có quy mô còn khá khiêm tốn, khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc đến từ bên ngoài còn hạn chế, độ mở nền kinh tế lớn, dễ bị ảnh hưởng từ các biến động, dù là nhỏ của thế giới. Vì vậy, nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới.

 

 

Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh, về doanh nhân tiêu biểu, phát triển bền vững nhằm tìm kiếm và bình chọn được những cá nhân, DN điển hình có thành tựu nổi trội trong sự nghiệp tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, đồng thời cũng là những tấm gương sáng về tuân thủ pháp luật, yêu nước, có trách nhiệm với xã hội, gia đình, cộng đồng và bảo vệ môi trường...
TS Võ Trí Thành

 

Nhiệm vụ hình thành các DN Việt Nam quy mô lớn đang đặt ra cấp thiết trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với nhiều mục tiêu phát triển cao hơn, hướng đến phát triển nhanh và bền vững.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia thực hiện công nghiệp hóa thành công đều có vai trò của hệ thống DN, đặc biệt là các DN quy mô lớn là những "DN đầu tàu" hay "sếu đầu đàn" để tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất.

Dù vậy, DN Việt được cho là đang thiếu "sếu đầu đàn". Các DN tư nhân hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất còn đơn giản, năng suất lao động thấp dẫn đến chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Việt Nam cần nhiều hơn nữa những DN tư nhân lớn, những tập đoàn với thương hiệu mạnh mang tầm quốc tế dẫn dắt các DN khác tăng sức chống chịu trước các biến động của thị trường.

Gian nan, thách thức hun đúc tinh thần và ý chí doanh nhân

Theo ông, cộng đồng DN, doanh nhân cần tiếp tục làm gì để vượt qua khó khăn chung này?
- Đội ngũ DN, doanh nhân đang phải thực hiện nhiệm vụ kép: trụ vững để vượt qua khó khăn và tái cấu trúc theo hướng đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững.

Nền kinh tế toàn cầu đang được cơ cấu lại, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển và Việt Nam với vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, với sự ổn định chính trị - xã hội, với chính sách “ngoại giao cây tre” kiên định nhưng mềm dẻo, với năng lượng và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, đang được lựa chọn là điểm đến của chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực công nghệ số, công nghệ cao (trong đó có công nghệ chip bán dẫn), năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn…

Có những khó khăn, thách thức nhưng có cả thời cơ, thuận lợi đan xen và đó cũng là cơ hội kinh doanh, liên kết và nâng cấp các DN Việt. Do đó, đội ngũ doanh nhân cần có giải pháp mới để xây dựng và phát huy vai trò của mình gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước. Cùng với đó là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị DN; xây dựng văn hóa DN, đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm để đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế,...

Vậy các cơ quan quản lý cần làm gì để hỗ trợ DN lớn mạnh?

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2021 - 2030 phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60 - 65%. Điều này thể hiện khát vọng của dân tộc nhưng cũng đặt ra rất nhiều những áp lực, thách thức cho cả hệ thống chính trị.

Để hỗ trợ DN cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTA); khuyến khích DN lớn đầu tư để cải thiện năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu, thúc đẩy chuyển đổi số nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu… Phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho DN tư nhân; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; xem xét cho phép triển khai thí điểm (mô hình sandbox) tạo thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư và kênh hút vốn cho các DN; tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn cho DN…

 

Đối với "sếu đầu đàn" là các DN Nhà nước, cần phải thay đổi cách nhìn và phương thức quản lý. Những DN này cần được xem xét, đánh giá trên các yếu tố: quy mô, thị phần và thị trường, quản trị, ngành lĩnh vực hoạt động và tính bền vững của DN…

Cần tập trung vào các giải pháp như giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở họ phát triển, như cải cách hành chính, xây dựng chính phủ - chính quyền điện tử; liên thông các thủ tục giữa các bộ, ban, ngành để giúp DN giảm thiểu thời gian, công sức, chi phí; minh bạch, công khai.

Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, tiến tới "minh bạch, công bằng, ổn định, nhất quán, dự báo được, kịp thời và thực thi tốt" đối với các cơ chế, chính sách và thực thi tại các cấp chính quyền. Ngoài ra, Chính phủ nên có cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành DN siêu nhỏ.

Xin cảm ơn ông!