Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch nội địa bùng nổ: Không phải tất cả đều là màu hồng

Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù lượng khách du lịch nội địa dịp hè tăng mạnh, vượt cả đỉnh năm 2019 trước dịch Covid-19 diễn ra nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, tất cả không phải là màu hồng.

Bởi, hiện ngành du lịch đang phải đối mặt với tình trạng các loại hình dịch vụ tăng theo giá xăng nên DN hầu như không có lãi...

Tấp nập du khách

Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách nội địa tăng dần đều và bùng nổ trong dịp cao điểm hè. Cụ thể 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã đón được 60,8 triệu lượt du khách; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 265.000 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng như vậy, nhiều khả năng năm nay ngành du lịch sẽ đón được khoảng 100 triệu khách nội địa.

Khách du lịch nước ngoài tham quan Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Khách du lịch nước ngoài tham quan Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Thực tế cho thấy, nhiều điểm tham quan, nghỉ mát trên cả nước đang có sự phục hồi mạnh mẽ cả về lượng khách và doanh thu du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ, từ đầu năm đến nay tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 8,61 triệu lượt khách, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tương tự trong 6 tháng đầu năm ngành du lịch Quảng Ninh đón được 5,5 triệu lượt khách tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ. Còn tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), từ đầu năm đến nay đón trên 4,1 triệu lượt khách, tăng gấp 2,59 lần so với cùng kì năm 2021.

Doanh thu du lịch đạt trên 3.400 tỷ đồng, gấp 2,47 lần cùng kì năm 2021. Từ cuối quý I/2022 đến nay nhiều khu, điểm du lịch của TP Đà Nẵng đón một lượng lớn du khách nên hệ thống khách sạn luôn đạt công suất thuê buồng đạt 70 - 75%.

Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022 ngành du lịch Khánh Hòa đã đón 1,046 triệu lượt du khách, tăng 128,64% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đạt 42.507 lượt, tăng 122,51% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, doanh thu du lịch ước đạt 5.549 tỷ đồng, tăng 209,44% so với cùng kỳ. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh có lượng khách nội địa tăng vượt bậc với hơn 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43,1% so cùng kỳ năm trước, đạt 61,6% kế hoạch năm 2022.

Để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm vào mùa Hè, DN du lịch và các địa phương đã tổ chức nhiều chương trình lễ hội, xây dựng sản phẩm kích cầu. Đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist thông tin, từ nay đến hết tháng 9/2022 đơn vị đưa vào phục vụ khoảng 120 sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng với các điểm đến ở nhiều địa phương.

Trong khi đó, Công ty Du lịch Vietravel thông đã khai trương gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, như: Shopee, Lazada, Tiki, giúp du khách “săn” được các tour du lịch hè hấp dẫn trong nước và quốc tế thông qua hình thức mua trực tuyến. Với trải nghiệm mới này, Vietravel kỳ vọng sẽ phục vụ khoảng 220.000 lượt khách.

Bên cạnh việc DN du lịch tổ chức tour mới, nhiều tỉnh thành đã nỗ lực triển khai các hoạt động lễ hội, chẳng hạn TP Móng Cái (Quảng Ninh) tổ chức “Lễ hội hoa Sim biên giới lần thứ I”; tỉnh Ninh Bình tổ chức Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An"; Từ nay đến hết tháng 8/2022 TP Đà Nẵng tổ chức “Lễ hội tận hưởng mùa hè”; tỉnh Quảng Nam tổ chức chương trình “Cảm xúc mùa hè”; tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình “Liên hoan du lịch biển Nha Trang”...

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết, thông qua việc tổ chức lễ hội, ngành du lịch Quảng Ninh đã thu hút một lượng lớn du khách, “hiện tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hạng sang trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt từ 90 -100%” - ông Thủy dẫn chứng.

Tương tự ngành du lịch Hà Nội cũng đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới thu hút đông du khách trải nghiệm trong mùa du lịch hè. Trưởng phòng Thuyết minh, tuyên truyền (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Thị Yến cho biết, chỉ sau một thời gian ngắn khởi động lại, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đã thu hút hơn hàng nghìn du khách tham gia. Trong khi đó, Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho hay, đơn vị đón nhiều khách lẻ, khách gia đình và những đoàn khách của các công ty, đơn vị đặt riêng tour “Đêm thiêng liêng”.

Giá tour tăng theo giá xăng và nỗi lo chất lượng phục vụ

Mặc dù lượng khách đi du lịch tăng cao nhưng DN đang phải đương đầu với cú sốc giá xăng phi mã, vượt 32.000 đồng/lít, kéo theo chi phí đầu vào tất cả các dịch vụ tăng cao dẫn đến kinh doanh không có lãi.

Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour Nguyễn Ngọc An cho hay, giá xăng dầu liên tục tăng đã khiến giá dịch vụ vận chuyển tăng tương ứng, hiện vé máy bay nội địa hiện đã tăng khoảng 1 triệu đồng/chiều, dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường sắt đều tăng từ 20% trở lên, khiến việc thu hút khách mua tour không hề dễ.

Giá xăng dầu tăng cũng tác động tiêu cực đến khối dịch vụ lưu trú, Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam Lê Mai Khanh cho biết, các đơn vị cung cấp dịch vụ giặt là đã tăng giá lên 15%, những mặt hàng dùng một lần trong khách sạn như bàn chải đánh răng, xà phòng, trà, cà phê, nước suối cũng tăng khoảng 10%... “Việc dịch vụ tăng đã khiến hệ thống lưu trú, khách sạn buộc phải tăng giá thuê phòng từ 10 - 15%” - bà Khanh nêu rõ.

Khảo sát tại một số wesite của các hãng hàng không như Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airway… cho thấy, giá vé rẻ nhất trên các chặng bay nội địa trong cao điểm hè 2022 đã lên mức 2,5 - 4 triệu đồng/khứ hồi, cao hơn khoảng 500.000 đồng mỗi vé so với thời điểm tháng 5/2022.

Chẳng hạn chuyến bay khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc của Vietjet thấp nhất 3,3 triệu đồng/vé khứ hồi, tuyến bay Hà Nội-Đà Nẵng 3,2 - 3,9 triệu đồng (Vietjet), 3,7 - 4,5 triệu đồng (Vietnam Airlines); 4,1 triệu đồng (Viettravel Airlines).

Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ, một số đơn vị vận chuyển ô tô bất ngờ thông báo tăng giá khiến DN không thể phụ thu với các tour trọn gói đã ký kết với khách hàng nên phải chịu lỗ. Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch Sun Smile Travel Dương Thanh Hằng lo lắng, giá một số dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận chuyển “leo thang” theo giá xăng dầu nên DN khó có thể giữ nguyên giá tour.

Đối với tour có sử dụng vé máy bay và xe ô tô, chi phí này chiếm khoảng 40 - 50%, thậm chí lên tới 60% giá tour nếu có chương trình tham quan bằng tàu thuyền. Do đó, việc xăng dầu liên tục tăng giá khiến DN buộc phải đẩy giá tour lên cao.

Thông tin từ một số DN du lịch cho thấy hiện giá tour đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên, Bình Định đã tăng thêm từ 1,2 - 1,5 triệu đồng so với tháng 5/2022. Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt Bùi Thế Duy chia sẻ, cái khó nhất lúc này là phải bù lỗ cho những sản phẩm đã bán ra với giá cũ bởi không thể yêu cầu khách hàng đã ký hợp đồng mua tou du lịch chi trả thêm. Do đó, các sản phẩm đã bán coi như DN phải chịu thiệt, chấp nhận lỗ vốn.

Bên cạnh đó, với sự đông đảo du khách, nỗi lo chất lượng phục vụ khi cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, nhân viên còn thiếu. Ngoài ra, ngành du lịch lo thất thu vì nhiều khách đi... tự túc.

Giám đốc Công ty Du lịch Sun Smile Travel Dương Thanh Hằng cho biết: Du lịch đang thật sự phục hồi vượt mong đợi của DN và những người làm du lịch khi khắp nơi đông khách, dù vậy, niềm vui cũng đi cùng với những nỗi lo. Nỗi lo thứ nhất là khi lượng khách tăng cao, đã lộ điểm yếu liên quan đến sự chuẩn bị của các điểm đến, của DN và cả ngành du lịch. Điểm yếu này xuất phát từ dịch bệnh kéo dài suốt gần 2 năm khiến nhân sự ngành du lịch thiếu hụt.

Nỗi lo kế đến là, tuy khách đông nhưng phải nhìn nhận rằng có rất nhiều khách đi dạng tự túc, thay vì tour trọn gói của công ty du lịch nên doanh thu không cao.

Chẳng hạn tính đến tháng 6/2022 điểm đến Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã đạt sản lượng khách của cả năm nhưng số khách đi Sầm Sơn thường là đi ngắn 1 - 2 ngày và đi cá nhân, nên chi phí bỏ ra không nhiều khiến doanh thu của ngành du lịch Thanh Hóa không cao, hiện tượng này đã làm rõ việc thiếu bền vững trong phát triển du lịch. Do đó, vấn đề cần làm ngay là doanh nghiệp du lịch phải xây dựng, thiết kế nhiều sản phẩm tour, tuyến trọn gói để hấp dẫn, kéo khách đi tour.

 

"Hoạt động du lịch trên cả nước đang khôi phục rất khả quan. Các điểm đến của Sun World đang đón lượng khách lớn vào tất cả các ngày trong tuần, chứ không chỉ là ngày lễ hay cuối tuần như trước. Tổng lượng khách đến với các Sun World trên cả nước trong tháng 6 đã đạt mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra đại dịch, thậm chí còn nhỉnh hơn đôi chút. Dù xét từng điểm đến, hầu hết Sun World vẫn chưa đạt tốc độ tăng trưởng của năm 2019, hiện duy nhất có Sun World Hon Thom Nature Park tăng trưởng trên 130% so với cùng kỳ năm 2019." - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World Trần Nguyệt

"Câu hỏi là các công ty du lịch và nhà cung cấp dịch vụ có lãi không? Trước đây công ty du lịch được dành một số lượng ưu đãi từ hàng không hay các nhà cung cấp dịch vụ như khách sạn, resort nhưng hiện nay không còn.

Với các khách sạn, đội xe cũng không có nhiều lãi vì chi phí đầu vào, lương thực thực phẩm, nhân sự đều tăng vì thị trường bùng nổ quá nhanh trong khi các nhà hàng, đội xe vận chuyển khách chưa chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự sau 2 năm dừng hoạt động do dịch Covid-19. Thế nên, họ phải thuê lao động với mức giá rất cao. Nhà hàng, resort cũng kêu nhiều vì chi phí đầu vào rất lớn, chưa kể khởi động lại sau 2 năm đóng cửa chi phí cải tạo cũng lớn nên dù khách đông, cũng chưa thể bù lại được số vốn đầu tư." - Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan