Thời gian qua, xuất hiện các trang Facebook, Fanpage, Tik Tok, Youtube sử dụng tên, số điện thoại giả mạo chuyên gia, bác sĩ danh tiếng, làm tại các bệnh viện lớn để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thường gọi là thực phẩm chức năng.
Một trang Facebook bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe gắn hình ảnh bác sĩ, nguyên Trưởng Khoa cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai cùng với đó là số điện thoại để tư vấn. Thế nhưng chính bác sĩ này cho biết, không nhận lời tư vấn cho bất kỳ đơn vị nào ngoài Bệnh viện Bạch Mai.
Thậm chí, có những trường hợp giả danh bác sĩ công tác tại Bệnh viện Nhi T.Ư để khám, tư vấn và kê đơn thuốc là đủ loại thực phẩm chức năng cho trẻ sử dụng.
Trong đó, có trường hợp giả danh bác sĩ tên Nguyễn Thị Hiền công tác ở Bệnh viện Nhi T.Ư khám, kê đơn bán các loại thực phẩm chức năng cho trẻ. Đối tượng quảng cáo về một loại bút thần kỳ, chỉ cần chạm vào tay vào chân bé là đã có thể phát hiện trẻ thiếu các loại vi chất gì. Thế nhưng theo các cơ quan chuyên môn về y tế, đây chỉ là chiêu trò hù dọa các bậc phụ huynh từ kết quả thăm khám của loại bút này để bán được thật nhiều các loại thực phẩm chức năng.
PGS.TS Phạm Thu Hiền - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết đã cho kiểm tra toàn bộ 500 cán bộ, bác sĩ của Bệnh viện Nhi T.Ư, không có ai tên là Nguyễn Thị Hiền.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về việc liên tục nhận được phản ánh của nhiều người dân qua đường dây nóng về việc có một số đối tượng mạo danh giới thiệu là cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
Trước thực trạng xuất hiện tình trạng giả danh bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Như vậy, bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Đánh giá về góc độ pháp lý, Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết: hành vi của các đối tượng giả mạo bác sĩ, cơ sở y tế để bán thực phẩm chức năng là hành vi tán tận lương tâm, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hoàn toàn có thể xử lý bằng chế tài hình sự.
Cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm, làm rõ việc thu lợi bất chính để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối hoặc tội lừa dối khách hàng. Ngoài ra, nếu có hành vi đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, các đối tượng thể có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự với chế tài rất nghiêm khắc.