Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giấc mơ Mỹ - khó với cả người Mỹ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cốt lõi của Giấc mơ Mỹ là một ngôi nhà. Quyền sở hữu nhà - theo suy nghĩ truyền thống - là cách chắc chắn nhất để tạo nên sự giàu có. Nhưng giấc mơ đó được cho đang càng trở nên viển vông hơn trong nền kinh tế Mỹ thời hậu Covid.

Millennials - thế hệ khủng hoảng

Vợ chồng Rachael Gambino và Garrett Mazzeo đã lên kế hoạch cho cuộc sống tài chính của mình theo đúng lộ trình mà cha mẹ họ đã dạy: học đại học, trả hết nợ sinh viên, tích cực tiết kiệm, mua nhà và lập gia đình.

Nhưng ngồi bên bàn bếp trong ngôi nhà của chính mình ở ngoại ô Pennsylvania - một tài sản mà Rachael và Garrett cảm thấy vừa may mắn khi sở hữu, lại vừa có phần bị mắc kẹt - vợ chồng trẻ nói rằng họ sẽ chọn con đường khác nếu có cơ hội được làm lại.

Rachael, 33 tuổi, chia sẻ với CNN: “Tôi nghĩ hầu hết người thuộc thế hệ Millennials (những người sinh ra vào khoảng từ năm 1981 - 1996) đều được dạy rằng cần bằng cấp đại học 4 năm để thành công. Và ở tuổi 18, chúng ta đã phải gánh khoản nợ sinh viên 100.000 USD”.

“Đây là Giấc mơ Mỹ” - Rachael nói - “Nhưng với cái giá ra sao? Giờ đây chúng ta đang phải trả bao nhiêu cho Giấc mơ Mỹ?”.

Cốt lõi của Giấc mơ Mỹ là một ngôi nhà. Quyền sở hữu nhà - theo suy nghĩ truyền thống - là cách chắc chắn nhất để tạo nên sự giàu có. Một điệp khúc phổ biến mà thế hệ Millennials đã nghe từ cha mẹ thuộc thế hệ Baby Boomer của họ: hãy tiết kiệm để mua trả góp một căn nhà riêng, còn hơn là tốn tiền thuê nhà mỗi tháng.

Nhưng giấc mơ đó được cho đang càng trở nên viển vông hơn trong nền kinh tế thời hậu Covid. Lượng nhà bỏ trống tại Mỹ đã ở mức thấp trước đại dịch - hậu quả kéo dài của vụ vỡ bong bóng năm 2007, tạo ra tình trạng dư thừa nhà trống và khiến các nhà phát triển phải thu hẹp quy mô xây dựng một cách triệt để. Nguồn cung thậm chí còn giảm hơn nữa khi những người lao động mới ở xa rút lui khỏi các TP, tận dụng lãi suất thế chấp thấp kỷ lục.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ năm 2021 - 2022, giá nhà tại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục. Sau đó, khi lạm phát bén rễ và lãi suất tăng lên, những khoản thế chấp 3% quá tốt để bỏ lỡ đó đã biến mất. Đối với những người như Garrett và Rachael, việc bỏ lỡ cơ hội lãi suất thấp là cú đau khó quên.

Vào thời điểm họ đạt được mục tiêu tiết kiệm, giá nhà và lãi suất thế chấp đã tăng vọt. Giá như họ mua nhà vào năm 2019 thay vì năm 2022, ngay cả khi không phải trả trước thì khoản nợ trả góp hằng tháng của họ vẫn sẽ thấp hơn. Suy nghĩ “giá như” đó dường như ám ảnh Garrett, người theo học chuyên ngành kinh tế và tự hào về tính kỷ luật tài chính của mình.

Trong nhiều năm, thế hệ Millennials, hiện đang ở độ tuổi từ 27 - 42, đã tụt hậu so với cha mẹ thuộc thế hệ Baby Boomer và thế hệ Gen X trong việc tích lũy tài sản. Hầu hết họ đều lớn lên trong thời kỳ kinh tế khó khăn của những năm 1990 - một trong những đợt phát triển kinh tế dài nhất được ghi nhận trong lịch sử Mỹ. Nhưng vào thời điểm họ tốt nghiệp đại học, thế giới của họ đã bị đảo lộn bởi cuộc Đại suy thoái.

Thế hệ Millennials lớn tuổi tham gia vào thị trường việc làm đúng lúc các công ty Mỹ đang thoát khỏi tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái. Khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 khiến việc làm ở trình độ đầu vào trở nên khan hiếm. Nó cũng thúc đẩy những người lao động lớn tuổi trì hoãn việc nghỉ hưu, càng hẹp đường với những người lao động trẻ tuổi lúc bấy giờ.

Trong nhiều năm sau khi khủng hoảng tài chính kết thúc, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn cao hơn mức trước suy thoái kinh tế năm 2007 và tiền lương trì trệ. Những người chỉ trích chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc bấy giờ gọi thập kỷ sau cuộc Đại suy thoái là “nền kinh tế nướng”, vì tốc độ phục hồi ở mức thấp và chậm.

Kết quả là khoảng cách giàu nghèo của thế hệ Millennial ngày càng lớn hơn so với các thế hệ khác. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào năm 2016, các gia đình do thế hệ Millennials sinh ra vào những năm 1980 đứng đầu có tỷ lệ thấp hơn khoảng 34% so với “kỳ vọng về tài sản” - mức mà các nhà kinh tế dự đoán họ sẽ đạt được dựa trên vị trí của các thế hệ trước ở cùng độ tuổi.

Mặc dù khoảng cách đó đã thu hẹp đáng kể trong bản cập nhật dữ liệu đến năm 2019 của Fed, thế hệ Millennials lớn tuổi vẫn còn gánh nặng nợ sinh viên cao nhất so với bất kỳ nhóm nhân khẩu học nào tại Mỹ, khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế, mà đại dịch Covid-19 là một ví dụ.

Nền kinh tế tốt nhưng tâm lý tồi tệ

Có một câu nói phổ biến đã khái quát nền kinh tế số một thế giới thời hậu Covid: "Nền kinh tế tốt nhưng tâm lý tồi tệ". Sau khi vượt qua một năm 2023 đầy bấp bênh, các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy Mỹ đang phát triển mạnh, nhưng người dân dường như lại không cảm nhận rõ ràng các tác động đó.

Trong một cuộc thăm dò của CNN được thực hiện vào tháng trước, 71% số người Mỹ được hỏi cho biết điều kiện kinh tế của quốc gia đang ở mức “nghèo”, trong khi 38% chọn mức “rất nghèo”. Nhưng điều đó phần nào đã tốt hơn so với mùa Hè năm 2022, khi 82% số người được hỏi lúc đó cho rằng nền kinh tế đang yếu kém.

"Thủ phạm" đằng sau những cảm nhận tồi tệ rất rõ ràng: giá cao, thị trường nhà đất khó thâm nhập, tình trạng bất bình đẳng dai dẳng, nợ gia tăng. Lạm phát cao hàng thập kỷ cuối cùng cũng đã trở lại mặt đất, nhưng kéo theo đó là tai họa của giá cả cao ngất ngưởng - quyết định việc người dân đang chi ra bao nhiêu tiền cho cả những nhu cầu cơ bản và thú vui mà họ vốn đã phải từ bỏ trong đại dịch, như du lịch.

Nhưng điều ít được nhắc đến hơn là những bất bình về tài chính đã đóng băng suốt một phần tư thế kỷ trong tâm lý của thế hệ đông dân nhất nước Mỹ hiện nay. Đối với thế hệ Millennials, phải đối mặt với hai cuộc suy thoái kinh tế làm thay đổi thế giới trước sinh nhật lần thứ 40 của họ, những cảm giác tồi tệ đã trở thành tâm lý chung.

Theo Brendan Duke, giám đốc cấp cao về chính sách kinh tế tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, ngay cả khi thế hệ Millennials đã tạo dựng được nền tảng đáng kể về mặt tài sản trong 4 năm qua, sự thay đổi vẫn chưa là gì sau hơn một thập kỷ tiền lương trì trệ và dự báo còn hơn thế nữa. Họ là thế hệ có trình độ học vấn cao nhất trong lịch sử Mỹ, nhưng chi phí cho điều đó là không hề rẻ.

Từ năm 1987 - 2017, chi phí theo học tại một trường cao đẳng công lập hệ 4 năm tại Mỹ đã tăng hơn 200%. Theo thống kê của Bộ Giáo dục nước này, mặc dù dữ liệu về các sinh viên khác nhau nhưng nợ trung bình của một người vay trong độ tuổi từ 25 - 34 là 32.000 USD.

Tại Mỹ, tiền lương đã tăng lũy kế nhiều hơn giá cả kể từ năm 2019, và điều đó đặc biệt đúng đối với thế hệ Millennials. Những người lao động Mỹ ở độ tuổi từ 29 - 38 đã được hưởng mức lương tăng trung bình 14%, được điều chỉnh theo lạm phát, kể từ năm 2019. Nhưng chuyên gia Brendan Duke lưu ý, sự gia tăng đó trở nên mờ nhạt khi mà những người lao động cũng đã trở thành cha mẹ trong khoảng thời gian đó.

“Làm cha mẹ ở Mỹ rất tốn kém” - Duke nói - “Có thể bạn được tăng lương và thăng chức vào cuối tuổi 20 hoặc đầu 30, nhưng chi phí chăm sóc con cái cũng tăng lên nhiều hơn”.

Rachael và Garrett cũng cảm nhận được điều đó một cách sâu sắc. Chi phí chăm sóc ban ngày cho cậu con trai 9 tháng tuổi Miles của họ là một nan đề, buộc họ phải nhanh chóng thay đổi kế hoạch sinh đứa con thứ hai. “Chúng tôi muốn con có bạn đồng hành, nhưng chúng tôi không đủ khả năng cho anh chị em của nó, ít nhất trong 4 năm nữa” - Rachael nói.