Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Gió mùa" trở lại

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Hà Nội trở thành điểm đến của nhiều chương trình âm nhạc, sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế. So với khoảng 20 năm trước đây, hoạt động sự kiện có nhiều hình thức nghệ thuật mới, thể hiện được tính thích ứng, chuyên nghiệp cao.


Còn nhớ vào năm 2019, trong 4 đêm diễn của Lễ hội Âm nhạc Quốc tế “Gió mùa” (Monsoon Music Festval) có mưa nhỏ. Nhiều giờ trước khi sự kiện diễn ra, khán giả vẫn ùn ùn khoác áo mưa nối gót vào Hoàng thành Thăng Long để “săn gió” tạo nên biển người, khuấy động không chỉ Hoàng thành mà cả một khu vực phố phường yên tĩnh.

Khác với bình thường, khách tham quan Hoàng thành thường gặp biển báo “Không giẫm lên cỏ”, “Không sờ vào hiện vật”. Nhưng 4 đêm liền, hàng vạn đôi chân nhảy nhót, giẫm đạp vô tư thảm cỏ trong tiếng nhạc hiếm có từ chập tối đến khuya.

Đêm nhạc diễn ra, trong khi hàng ngàn, vạn khán giả phía gần sân khấu hò hét, nhảy tưng tưng cùng nghệ sĩ, thì phía sau, nhiều cặp tình nhân trải áo mưa ngồi thảm cỏ âu yếm trao nhau nụ hôn lãng mạn và các cử chỉ tình tứ khác.

Nhiều em nhỏ mải mê với không khí âm nhạc náo nhiệt nên cứ tự do chạy nhảy, đùa giỡn.

Đó là nơi khán giả được sống trong một không khí thuần khiết của tình yêu âm nhạc, bỏ lại những vướng bận đời thường.

Đông đảo khán giả thưởng thức lễ hội âm nhạc Gió mùa. Ảnh: Ban Tổ chức.
Đông đảo khán giả thưởng thức lễ hội âm nhạc Gió mùa. Ảnh: Ban Tổ chức.

Lễ hội âm nhạc Quốc tế “Gió mùa” trở lại năm nay và kéo dài từ 14 - 22/10 tại Hà Nội với hình thức mở rộng hơn. Đó là một lễ hội TP với 10 ngày âm nhạc, có sự tham gia của 40 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, hơn 70 buổi biểu diễn và tính ra là 4.000 phút chơi nhạc, lan tỏa không khí lễ hội khắp TP Hà Nội vào cuối tháng 10 - thời điểm chuyển giao đón gió mùa từ Thu sang Đông.

Không chỉ riêng các sự kiện trong nước, vừa qua, nhóm nhạc BlackPink (Hàn Quốc) biểu diễn 2 đêm tại Hà Nội thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, bao gồm cả những người không phải là fan hâm mộ nhóm nhạc này giúp mở ra cơ hội để giao lưu văn hóa và thể hiện đa dạng âm nhạc giữa các nền văn hóa khác nhau, đồng thời đẩy mạnh ngành công nghiệp giải trí và âm nhạc.

Rõ ràng, với quyết tâm xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô thông qua những chương trình, kế hoạch cụ thể như thương hiệu TP sáng tạo của UNESCO năm 2019 hay Nghị quyết 09 của Thành ủy về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa năm 2022 thì sự kiện như hai đêm diễn của BlackPink lần này đã tạo ra môi trường phát triển cho ngành công nghiệp giải trí và âm nhạc Thủ đô, giúp thúc đẩy sự sáng tạo và đưa các nghệ sĩ và nhạc sĩ Việt Nam lên tầm quốc tế, truyền cảm hứng cho phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội.

Không chỉ riêng các sự kiện âm nhạc, những năm qua, suốt 4 mùa trong năm, dọc những con đường, người dân Hà Nội hay du khách sẽ thấy những lá cờ đủ màu sắc, quốc gia treo trên các giá cờ của Hà Nội.

Trên những con phố cổ, di tích lịch sử văn hóa, không khó để thấy thấy những cô gái, chàng trai người Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Singapore... trong trang phục truyền thống đi dạo.

Đó là biểu hiện sinh động từ khi Hà Nội mở rộng giao lưu văn hóa với các TP, Thủ đô các các nước trên thế giới như Hội nghị APEC lần thứ 14; SEA Games 31; Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2019; Sự kiện văn hóa Carnival đường phố Hà Nội 2019; Sự kiện Không gian văn hóa Hàn Quốc tại phố đi bộ Hà Nội với mục đích đẩy mạnh quan hệ hợp tác giao lưu văn hóa, du lịch hai nước nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc; Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021...

Gần 4 năm Hà Nội gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững đang dần được hiện thực hóa.

Hà Nội đang từng bước phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, nhất là khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa và con người, chuyển hóa nguồn lực ấy thành sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy việc kế thừa, phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Tuy nhiên để làm được như vậy cần huy động và sử dụng nhiều nguồn lực. Nguồn lực ấy bao gồm nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nguồn lực quốc tế, nguồn lực tài chính và nguồn lực tài nguyên, nguồn lực nhân sự và nguồn lực cơ sở hạ tầng.

Chính vì thế mà sự phát triển văn hóa của Hà Nội vừa là nội lực nhưng cũng cần có sự giúp đỡ của cả nước, đặc biệt là của Trung ương trong sự phát triển này. Để thu hút các sự kiện quốc tế đến Hà Nội, thì cần sự tham gia của Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL, thậm chí cả Chính phủ. Câu chuyện đó không chỉ riêng Hà Nội mà nó còn là câu chuyện đại diện cho cả đất nước.