Mới đây, góp ý cho dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), nhiều bộ, ngành cũng đề nghị bỏ xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB. Thay vào đó, điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này cho phù hợp với mục tiêu đề ra.
Dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi mới nhất do Bộ Tài chính soạn thảo, mặt hàng xăng tiếp tục là đối tượng chịu thuế TTĐB 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Bộ Tài chính giải thích, xăng E5, E10 được pha chế theo tỷ lệ tương ứng 95%, 90% xăng RON 92 và 5%, 10% cồn sinh học. Còn xăng khoáng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, do đó, cần sử dụng tiết kiệm, nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này.
Theo Bộ Tài chính, tại Việt Nam, thuế TTĐB đánh vào mặt hàng xăng từ năm 1995 và chưa thể bỏ thuế này trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Quy định này nhằm điều tiết tiêu dùng với mặt hàng cần sử dụng tiết kiệm, phù hợp thông lệ quốc tế.
Mới đây, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính đánh giá toàn diện hơn để có cơ sở đề xuất loại bỏ một số mặt hàng đang chịu thuế TTĐB như xăng ra khỏi đối tượng đánh thuế. Bộ Tư pháp lập luận rằng, xăng hiện nay không phải mặt hàng xa xỉ nên việc đánh thuế TTĐB sẽ trùng mục tiêu với thuế bảo vệ môi trường đang áp lên mặt hàng này. Cơ quan quản lý có thể điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp.
Còn Bộ NN&PTNT cho rằng, việc tiêu dùng xăng sinh học chưa thay thế được xăng khoáng, do thói quen người tiêu dùng và ưu điểm của loại nhiên liệu này. Do đó, việc thay thế xăng khoáng cần có lộ trình.
Vẫn biết rằng, sử dụng xăng tiết kiệm là việc cần khuyến khích. Tuy nhiên, nếu lấy cơ sở để áp thuế TTĐB với xăng nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường là chưa đúng, chưa chuẩn về cơ bản. Vì hiện nay nước ta chưa có các giải pháp thay thế nguồn nhiên liệu này.
Hơn nữa, không thể nói xăng, dầu không phải mặt hàng thiết yếu để tính thuế TTĐB, trong khi đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường, vì sắc thuế này chỉ áp dụng với những hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng. Nếu áp dụng cả 2 sắc thuế TTĐB và bảo vệ môi trường lên xăng sẽ có sự chồng lấn về mục tiêu đánh thuế.
Hơn nữa, xét trong bối cảnh cả DN, lẫn nền kinh tế đang gặp khó khăn, thì Chính phủ nên cân nhắc xem xét các giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt, hiện nay giá điện cũng đã tăng, DN phải chịu gánh nặng chi phí rất lớn. Vì vậy, chính sách thuế đối với xăng cần được xem xét triệt để. Bởi xăng là mặt hàng thiết yếu, là “huyết mạch” của nền kinh tế, từ DN đến người dân ai cũng phải sử dụng.
Mặt khác, giảm thuế TTĐB sẽ giúp hạ giá xăng, từ đó giúp DN giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó kích cầu tiêu dùng… giúp nộp thuế tăng, như vậy, ngân sách có lợi hơn với trước. Đó cũng chính là chính sách khoan sức dân, sức DN mà chúng ta thường đề cập.
Vì vậy, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều để chọn phương thức tối ưu nhất, cân nhắc, bảo đảm hài hòa các mục tiêu đáp ứng nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, giữ vững tính công bằng, trung lập của chính sách thuế, góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.