Để hiện thực hóa “giấc mơ sông Hồng”, biến hai bên bờ sông và bãi giữa trở thành một không gian kiến trúc đô thị hiện đại, văn minh, sinh thái, trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, cần có sự vào cuộc quyết liệt, tầm nhìn chiến lược và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và người dân.
Bài 1: Tiềm năng phát triển
Lịch sử phát triển các đô thị ở Việt Nam cũng như trên thế giới luôn gắn liền với các dòng sông. Thủ đô Hà Nội cũng gắn liền với sự hình thành và phát triển của hệ thống mặt nước, đặc biệt là sông Hồng. Trải qua thời gian, biến đổi của địa lý và cả của con người, vai trò của sông Hồng ngày càng ăn sâu vào đời sống đô thị, ẩn chứa nhiều tiềm năng để phát triển.
Nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô, sông Hồng luôn nắm giữ vai trò quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, khi TP đang ngày càng được mở rộng, ngày càng phát triển, ảnh hưởng của sông Hồng với bộ mặt cảnh quan chung của toàn đô thị càng trở nên quan trọng hơn.
Theo KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị
Việt Nam, sông Hồng là không gian cảnh quan chủ thể kết nối bờ Bắc và bờ Nam, là trung tâm của các tuyến phát triển không gian và như chứng nhân lịch sử, một cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai mà cầu Long Biên là một chứng tích vắt qua 3 thế kỷ. Đối với bộ mặt cảnh quan không gian đô thị, sông Hồng trở thành không gian kết nối, không gian giao thoa giữa không gian cũ và không gian mới, giữa không gian của lịch sử và không gian của tương lai.
Có rất nhiều tiềm năng, nhưng bãi giữa sông Hồng hiện chủ yếu được sử dụng để trồng rau màu và còn nhiều diện tích bỏ hoang gây lãng phí lớn. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực bãi giữa còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường sống trong khu vực.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do, phần lớn diện tích bãi giữa sông Hồng nằm trong khu vực giáp ranh thuộc địa giới quản lý của nhiều phường bao gồm: Tứ Liên, Yên Phụ (Tây Hồ); Phúc Xá (Ba Đình); Phúc Tân, Chương Dương (Hoàn Kiếm); Ngọc Thụy (Long Biên).
Vì vậy, việc phân định ranh giới thực địa gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý đất đai, xây dựng tại khu vực này chưa được các địa phương quan tâm và thống nhất phương thức quản lý, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng về quy mô, tính chất và mức độ. Nhiều hộ dân tự ý dựng lều lán tạm với kết cấu nhà khung cột tre, mái lá, vách liếp, diện tích từ 15 - 25m2.
Khu vực Bãi Giữa sông Hồng là một quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô, tương phản với không gian sống chật chội của khu vực nội thị. Đây cũng là không gian duy nhất còn lại để có thể tạo dựng một không gian công cộng Xanh, Sinh thái và Văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng và khách du lịch. Đặc biệt là được trải nghiệm một không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên xanh sinh thái trên mặt nước.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long
Thậm chí, một số công trình xây dựng kiên cố như nhà cấp 4 bằng gạch nhà khung thép, mái và vách lợp tôn, cổng sắt, đường bê tông… đã xuất hiện. Tình trạng mua bán đất trái phép cũng được ghi nhận.
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên, có nhiều lý do khiến Hà Nội chưa khai thác được nhiều giá trị sông Hồng trong đó có vấn đề về đê điều. Trong các năm 1994 và 2006, có nhà đầu tư Singapore lựa chọn xây dựng trên mảnh đất ngoài đê ở An Dương và sự giúp đỡ của phía Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng nhưng do nhiều vướng mắc nên chưa triển khai thực hiện được.
Giải quyết các bất cập
Hiện nay khu vực trung tâm của Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải cơ sở hạ tầng, thiếu không gian công cộng, với mật độ dân cư đông, mật độ xây dựng cao, các quận nội thành hiện nay cơ bản đang bị thiếu hụt quỹ đất dành cho sân cho sân chơi, vườn hoa.
Theo thống kê, diện tích công viên và vườn hoa tại các quận nội thành trung bình chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương 2,98m2/người (so với chỉ tiêu phát triển TP đến năm 2030 là 2,43m2/người); thậm chí có những khu vực như quận Thanh Xuân con số này là 0%. Một vài điểm đi bộ rộng rãi như Hồ Gươm, Hồ Tây… là nơi người dân Thủ đô có thể tới hóng mát, nhưng lượng người đổ về đây quá đông, kéo theo hàng quán, bãi gửi xe mọc lên như nấm vào dịp cuối tuần, khiến không gian sinh hoạt chung của cả trẻ con lẫn người lớn vốn chật hẹp lại càng trở nên ngột ngạt.
Quận Long Biên hiện có 180ha đất bãi giữa, phần lớn là đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, rau. Bất cập trong công tác quản lý đất đai là nhiều diện tích UBND phường không ký được hợp đồng, phát sinh vi phạm về đê điều và sử dụng đất sai mục đích, đổ trộm phế thải... Cơ chế chính sách cần được tháo gỡ đầu tiên là giao chính quyền Hà Nội được quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất. Cụ thể, Luật Thủ đô và Luật Đất đai (sửa đổi) giao TP quyết định khai thác quỹ đất nông nghiệp bãi sông.
Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà
Để giải quyết bài toán thiếu hụt không gian vui chơi, giải trí như hiện nay, đồng thời phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ vở sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trong vòng 20 năm nay, khu vực sông Hồng luôn được TP Hà Nội quan tâm nghiên cứu trong các chương trình, đề án, đồ án quy hoạch liên quan.
Sau thời gian hoàn thiện các trình tự, thủ tục, năm 2022, TP Hà Nội chính thức phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đồ án đã đặt nền móng phát triển TP Hà Nội theo hướng “nhìn sông, tựa núi” thay vì “quay lưng” vào dòng sông như hiện tại.
Theo định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ. Đồng thời, đây cũng là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính: công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô.
Bãi giữa như “viên ngọc sinh thái” giữa Thủ đô khi lâu nay, nơi đây trở thành vườn sinh thái của nhiều loài chim cư trú. Tổ hợp cảnh quan cầu Long Biên, bãi giữa sông Hồng trong khung cảnh bình minh và hoàng hôn đã trở thành biểu tượng đặc trưng của TP Hà Nội.
Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội - KTS Nguyễn Văn Tuyên
Theo các chuyên gia, việc lập đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất bãi bồi, bãi giữa với lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn hướng tới một không gian sinh thái công cộng, tạo điểm nhấn cho bản sắc Thủ đô là nhu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, vấn đề này cũng đặt ra thách thức cho các quận trong quá trình triển khai thực hiện do đòi hỏi nguồn lực rất lớn về tài chính, thời gian và sự nỗ lực, quyết tâm của rất nhiều cơ quan, tổ chức đơn vị liên quan.
(Còn nữa)