Không chủ quan với Covid-19

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 có chiều hướng gia tăng đáng kể so với những tháng trước. Các chuyên gia y tế cảnh báo, do tâm lý chủ quan của người dân khi dịch bệnh được kiểm soát dẫn đến việc không thực hiện các biện pháp phòng bệnh khiến dịch Covid-19 gia tăng trở lại.

Ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước chỉ ghi nhận hơn 2.000 ca mắc Covid-19, trung bình có 160 ca/tuần. Đặc biệt, từ đầu tháng 4/2023 cho đến nay, số ca mắc có chiều hướng gia tăng trở lại. Riêng ngày 19/4, nước ta ghi nhận 2.162 ca mắc Covid-19 (tăng khoảng 1,5 lần so với ngày trước đó), trong đó có 2.159 ca trong nước và 3 ca nhập cảnh. Đây cũng là ngày có số ca mắc cao nhất trong hơn nửa năm qua.

Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 1/4, trung bình số ca nhiễm mới từ 2 - 5 ca/ngày. Tuy nhiên, ngày 18/4 ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất, với 141 ca mắc tại 15/30 quận, huyện, thị xã. Hiện có 628 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 331 người điều trị tại bệnh viện và 297 người theo dõi tại nhà.
Đáng chú ý, trong tuần qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã gửi 10 mẫu bệnh phẩm dương tính với Covid-19 tại 6 quận, huyện, thị xã tới Bệnh viện Bạch Mai thực hiện giải trình tự gene tìm biến thể mới virus SARS-CoV-2. Kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm virus SARS-CoV-2, đến nay, phát hiện 2 mẫu bệnh phẩm dương tính Covid-19 lấy tại quận Nam Từ Liêm là thuộc chủng XBB.1.9.1 với đặc điểm lan truyền nhanh và diễn biến lâm sàng nhẹ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Đức Giang
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Đức Giang
 

Các địa phương, sở, ngành cần có kế hoạch cụ thể để tổ chức hoạt động phòng, chống dịch; kiện toàn Ban Chỉ đạo, lực lượng cũng như vật tư y tế, đảm bảo luôn sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch. Sở Y tế hằng ngày tổng hợp tình hình, cập nhật các chỉ đạo của Bộ Y tế, chủ trì các nội dung về chuyên môn để thông tin đúng tình hình. Về việc tiêm phòng, các địa phương khẩn trương rà soát gửi về Sở Y tế để cung cấp, đảm bảo theo đúng nhu cầu của người dân. Hà Nội luôn chủ động, kiểm soát tình hình dịch và sẵn sàng ứng phó với các tình huống, diễn biến mới của dịch nếu xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định, trong tuần số ca mắc tăng so với tuần trước, Covid-19 có thể vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do virus vẫn biến đổi không ngừng tạo các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh, né tránh được hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, do tâm lý chủ quan của người dân khi dịch bệnh được kiểm soát dẫn đến việc không thực hiện các biện pháp phòng bệnh như tiêm chủng vaccine mũi nhắc lại, không đeo khẩu trang. Thêm nữa, hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine có xu hướng giảm dần theo thời gian.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, không chỉ Việt Nam, dịch Covid-19 vẫn tạo các làn sóng tăng, giảm. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa công bố hết dịch vì tình hình vẫn chưa ổn định.

Việc tăng các ca mắc không phải là điều bất thường. Một trong những nguyên nhân tăng đột biến ca nhiễm, do miễn dịch từ tiêm vaccine và nhiễm Covid-19 suy giảm, cùng với việc người dân tăng giao lưu đi lại, tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 lây lan.

Đặc biệt, hiện nay triệu chứng Covid-19 như cúm, phần lớn mọi người tự điều trị hoặc không test Covid-19, nên virus càng lây lan nhanh hơn khi không có biện pháp đề phòng. Thực tế hiện nay, nhiều người có bệnh nền cũng không tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 vì cho rằng bệnh nhẹ, không mắc lại hoặc vaccine gây ra nhiều tác dụng phụ làm “sức khoẻ yếu”… Tuy nhiên, có người mắc lần hai đã phải nhập viện vì miễn dịch của vaccine đã yếu đi, bệnh nặng hơn.

Theo dõi sát tình hình, không để dịch lan rộng

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, mặc dù những ca mắc đợt này đều có triệu chứng nhẹ nhưng không chủ quan bởi những nhóm người dễ bị tổn thương như người già, bệnh nền thì triệu chứng nặng lên khi nhiễm Covid-19. Tuy Omicron vẫn là chủ đạo nhưng liên tục xuất hiện các biến thể mới của chủng virus này. Với biến chủng XBB.1.16 không đáng lo ngại lắm, dù lây lan nhanh, chủ yếu gây bệnh nhẹ.

“Đợt tăng ca nhiễm mạnh này là một làn sóng dịch mới, tuy nhiên, không quá quan ngại bởi chúng ta có lợi thế hiểu biết về Covid-19 và năng lực phòng, chống dịch tăng lên, cách đáp ứng linh hoạt hơn. Dù số ca mắc có gia tăng nhưng không để bùng dịch lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch trước đây” - PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, phải chủ động dự phòng vệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, khử khuẩn. Những người có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 nên test nhanh để có biện pháp phòng bệnh, chống lây nhiễm. Người dân cần tuân thủ lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế. GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo dự báo của các nhà khoa học và WHO, virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại.

Vấn đề đặt ra là cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu, tránh quá tải hệ thống y tế.

Để dịch bệnh không ảnh hưởng đến cuộc sống, các địa phương cần rà soát lại đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai…). Đây là những trường hợp dễ có nguy cơ chuyển biến nặng và có tử vong khi mắc Covid-19. GS.TS Phan Trọng Lân cho biết, hiện nước ta chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vaccine Covid-19. Đây vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch với biến chủng Omicron, ngăn nguy cơ bệnh diễn biến nặng và tử vong.

Têm vaccine phòng Covid-19 vẫn được triển khai tại nhiều địa phương
Têm vaccine phòng Covid-19 vẫn được triển khai tại nhiều địa phương

Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, thông tin của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, Viện đã cấp thêm cho Hà Nội 10.000 liều vaccine để tiêm chủng cho các đối tượng theo hướng dẫn. Được biết, 10.000 liều vaccine Covid-19 này là vaccine AstraZeneca. “WHO đánh giá, những người đã tiêm vaccine Covid-19 hoặc đã từng nhiễm bệnh đều đã có miễn dịch. Đây chính là yếu tố khi mắc bệnh, người bệnh thường có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng” - GS.TS Phan Trọng Lân lưu ý.

Đặc biệt, “tấm áo giáp” quan trọng nữa là người dân cần trang bị "vaccine ý thức", không được lơ là, chủ quan dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, trong bối cảnh Việt Nam có độ bao phủ vaccine cao nhưng độ mở cửa cũng rất lớn, nhất là sắp đến kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Mỗi người dân có ý thức chung tay thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (nguyên tắc 2K), bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng chính là góp phần để những ngày nghỉ lễ vui tươi, an toàn.

Trước diễn biến dịch Covid-19 gia tăng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, cơ sở y tế và cộng đồng để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của SARS-CoV-2. 

 

Thời điểm này, Việt Nam cần đánh giá lại miễn dịch cộng đồng xem chủng mới vô hiệu hóa vaccine hay không. Đồng thời, ngành y tế cần đánh giá lại việc tiêm vaccine theo lịch. Bởi Covid-19 sẽ không mất đi, việc tiêm vaccine là vẫn cần thiết. Quan trọng xác định tiêm cho đối tượng nào, lịch tiêm ra sao, đặc biệt lưu tâm đến nhóm người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch…
PGS.TS Trần Đắc Phu