Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà nội Đào Việt Long:

Không thể lùi bước trước xe dù, xe khách trá hình

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách trá hình ngày càng diễn biến phức tạp, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long khẳng định: “Hà Nội sẽ có hành động mạnh mẽ hơn nữa, không thể lùi bước trước xe dù, xe khách trá hình”.

Diễn biến cực kỳ phức tạp

Ông có nhận định như thế nào về tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách trá hình trên địa bàn Thủ đô?

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long

- Cần nhìn nhận thẳng vào thực tế rằng, Hà Nội đang đang chịu áp lực rất lớn từ những vi phạm ngày càng diễn biến phức tạp của loại hình vận chuyển hành khách liên tỉnh bằng ô tô. Trước đây chỉ có xe dù, xe chạy sai hành trình, xe quá cảnh cố tình dừng đỗ đón trả khách trên địa bàn TP. Nay chúng ta phải đương đầu cả với xe khách trá hình, xe biển trắng kinh doanh vận tải khách (xe tiện chuyến, xe ghép), xe du lịch hoạt động như xe khách...

Xe đội lốt hợp đồng nhưng hoạt động như xe khách tuyến cố định đã luồn sâu vào nội đô, thành lập 70 - 80 văn phòng, chi nhánh để đón khách, nhận hàng; dừng đỗ tùy tiện bất cứ đâu, gây mất trật tự, ATGT, rối loạn thị trường vận tải, đẩy các DN làm ăn chân chính vào tình cảnh vô cùng khó khăn.

Để cạnh tranh, tồn tại, nhiều xe khách liên tỉnh đã bỏ bến ra ngoài chạy dù, đi sai lộ trình hoặc hoạt động như xe khách trá hình; hoặc khi xuất bến xe chạy “rùa bò”, dừng đỗ bắt khách khắp nơi. Điều này vừa ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách, vừa làm gia tăng áp lực giao thông cho đô thị.

Chưa hết, xe hợp đồng, du lịch, Limousine hoạt động thu gom khách “trá hình” như tuyến cố định không phải kê khai giá cước, không phải mất chi phí ra vào bến xe... Như vậy là Nhà nước đang thất thu một khoản thuế rất lớn, nguồn lợi chảy vào túi cá nhân, còn hệ lụy mặc cho TP gánh chịu.

Vậy nguyên nhân do đâu mà xe khách trá hình diễn biến phức tạp như ông vừa nói?

- Về chủ quan, trước hết là do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng còn có lúc, có nơi chưa quyết liệt, chưa thường xuyên. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm bến cóc, văn phòng đón trả khách... của chính quyền địa phương còn chưa triệt để. TP chưa xây dựng quy chế trách nhiệm đối với các đơn vị, địa phương để tồn tại phát sinh, tái diễn vi phạm.

Các bến xe chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; chưa ứng dụng công nghệ thông tin, thiếu cơ chế khuyến khích, thu hút hành khách cũng như DN vận tải; chưa tổ chức tốt công tác trung chuyển hành khách đến bến...

Nguyên nhân khách quan cũng có không ít. Ví dụ như: hạ tầng giao thông, bến xe chưa được đầu tư đồng bộ, tổ chức vận hành bến xe chưa khoa học; hệ thống đường sắt đô thị chưa phát triển nên việc di chuyển từ các khu dân cư đến bến xe chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống xe buýt, taxi, xe ôm, xe cá nhân…

Các loại hình: vận tải khách tuyến cố định với xe hợp đồng; taxi với xe hợp đồng dưới 9 chỗ có cùng phân khúc khách hàng, hoạt động tương tự nhau; nhưng lại có quy định và điều kiện kinh doanh khác dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.

Bộ GTVT chưa xây dựng phần mềm tiếp nhận để xe hợp đồng cung cấp đầy đủ thông tin vận chuyển trước chuyến đi, do đó không có cơ sở xử lý gián tiếp đối với vi phạm phát sinh. Cục Đường bộ Việt Nam chưa xây dựng được phần mềm quản lý hoạt động vận tải. Chưa có chế tài mạnh mẽ, đủ sức răn đe đối với các DN vi phạm, tái phạm nhiều lần.

Các cá nhân, tổ chức kinh doanh xe hợp đồng hiện nay thường dùng
facebook, zalo, website để đăng thông tin quảng cáo, bán vé, hợp thức danh sách hành khách tại các văn phòng đại diện để tiện việc đưa, đón khách. Hành vi này lực lượng Thanh tra GTVT, CSGT rất khó xử lý, khi lực lượng chức năng kiểm tra đều xuất trình hợp đồng vận chuyển hành khách hoặc hợp đồng vận chuyển với đơn vị lữ hành. Đồng thời, tâm lý hành khách ngại khó khăn đi lại, chờ đợi phiền phức, mất thời gian, muốn được đưa đón tận nơi… nên không vào bến đi xe mà đón xe dọc đường dẫn đến phát sinh “bến cóc”.

Tất cả phải vào cuộc

Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này, thưa ông?

- Đầu tiên chúng ta phải sửa đổi cơ chế, chính sách, bổ sung các ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý kinh doanh vận chuyển hành khách. Hà Nội sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật, phần mềm tiếp nhận thông tin và quản lý xe khách nói chung, xe hợp đồng nói riêng để bịt những kẽ hở mà xe trá hình, xe dù, bến cóc đang lợi dụng.

TP cũng cần nghiên cứu cấp phép ra vào một số tuyến phố trung tâm đối với xe hợp đồng, du lịch; bố trí thêm điểm dừng đón trả hành khách phục vụ theo khu vực để bảo đảm thuận thiện cho Nhân dân nhưng cũng khắc phục việc đón trả hành khách tùy tiện như hiện nay.

Nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức tốt hoạt động trung chuyển hành khách, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, quảng bá hình ảnh đối với các bến xe... để thu hút hành khách đến với loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định. Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; xây dựng quy chế trách nhiệm của từng lực lượng cũng như chính quyền địa phương khi để tồn tại, phát sinh, tái diễn vi phạm.

Những giải pháp đó cần được cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?

- Sở GTVT đã có báo cáo chuyên đề trình lên Thành ủy, UBND TP, trong đó kiến nghị thực hiện một số giải pháp chính.

Trước tiên là thành lập các Tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động đón, trả khách do lãnh đạo Ban ATGT TP làm Tổ trưởng. Ban ATGT chủ trì, xây dựng quy chế hoạt động và có sự phối hợp của các sở, ngành, chính quyền địa phương các quận, huyện, thị xã. Công bố số điện thoại đường dây nóng, hòm thư điện tử cho người dân biết để tiếp nhận thông tin phản ánh về hiện tượng “xe dù, bến cóc”, kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định.

Sở kiến nghị Công an TP chỉ đạo các đơn vị chuyên trách phối hợp với Thanh tra GTVT tuần tra, xử lý vi phạm. Trước mắt, tập trung giải quyết triệt để vi phạm xung quanh khu vực các bến xe khách; giải tỏa những tụ điểm xe dù, bến cóc, lấn chiếm lòng đường, hè phố gây cản trở giao thông; sử dụng văn phòng đại diện làm nơi tập kết, xếp, dỡ hàng hóa trái quy định…

Đặc biệt, Cảnh sát kinh tế cần vào cuộc kiểm tra, xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm xã hội… theo quy định của pháp luật. Về vấn đề này cần có sự vào cuộc, phối hợp tích cực của cả Sở Tài chính, Cục Thuế và chính quyền các địa phương.

UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng bến bãi đón, trả khách không đúng quy định trên địa bàn mình quản lý. Sở TT&TT cần tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc quảng cáo, đặt vé trước chuyến đi như xe khách tuyến cố định trên các website, ứng dụng điện tử của DN vận tải.

Tất cả phải vào cuộc, nỗ lực, quyết tâm bền bỉ xử lý triệt để vi phạm. Hà Nội không thể lùi bước trước xe khách trá hình, xe dù, bến cóc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!