Ấy vậy mà ở cái tuổi gần đất xa trời, bà vẫn phải lọ mọ lo ăn từng bữa dù xung quanh bà có tới… 5 bát canh cần!
Chuyện là thế này: ở cái thời mà xã hội còn quá trọng nam khinh nữ, vợ chồng bà Mỹ đẻ thông một lèo 5 đứa con gái. Đến lần sinh nở thứ 6, trời mới phú cho ông bà mụn con trai. Gia cảnh nghèo, con lại đông nên chẳng đứa nào được học hành đến nơi đến chốn.
Mọi hy vọng ông bà đổ dồn vào cậu út. Vì độc đinh nên Vương được các chị và bố mẹ chiều như chiều vong. Sau khi trầy trật quá 3 bận vẫn không đỗ nổi cái cao đẳng, cu cậu rẽ ngang học nghề sửa chữa điện lạnh.
Sau 2 năm, Vương cũng ra trường, gian nhà có đầu hồi giáp mặt đường trong xóm trở thành cửa hiệu của Vương. Lo dựng vợ gả chồng cho 6 đứa con xong xuôi, chỉ một cơn bạo bệnh, chồng bà Mỹ đã ra đi mà chưa được hưởng hạnh phúc tuổi già.
Ấy thế nhưng mỗi lúc có người hỏi thăm, bà Mỹ vẫn chép miệng mà rằng: giá như chết sớm như ông ấy còn đỡ khổ. Sống dai như tôi thì nhục lắm...
Với quan niệm “lấy chồng gần…” cho nên cả 5 đứa gái của bà Mỹ đều được gả cho những chàng trai trong xóm. Trong khi thiên hạ giàu lên từng ngày thì chả hiểu do số phận hẩm hiu hay phúc đức tổ tiên vẫn mỏng, cả 5 cô con gái của bà Mỹ dù đã cố gắng tột bậc mà vẫn nghèo…
Thói đời “1 mẹ nuôi được 10 con - chứ 10 con khó lòng nuôi được 1 mẹ”. Tiếng là đông con gái và toàn gả chồng gần nhưng tuyệt nhiên bà Mỹ không nhờ vả được gì từ chúng.
Ngược lại, chính đám con gái là nguyên nhân của mọi sự rắc rối trong quan hệ gia đình và gián tiếp làm tội là Mỹ… Đầu tiên là chuyện em dâu - chị chồng. Với thói tham ăn, lười làm cộng thêm lối sống luộm thuộm, nên vợ Vương chả vừa lòng ai.
Căn nhà khang trang nhất nhì xóm ngày nào, giờ đây lúc nào cũng bừa bộn và luôn bốc mùi nước đái trẻ con do con trai bà cũng giống bố (tức là đẻ liền tù tì một xâu con gái).
Góp ý mãi nhưng đứa em dâu cứng cổ không chịu nghe lời, các chị chồng dần về hùa với nhau tìm cách tẩy chay, từ đấy gia đình sinh ra lục đục. Đỉnh điểm của sự mất đoàn kết, khiến chị em, mẹ con không nhìn mặt nhau bắt đầu từ việc chia nhà, chia đất.
Từ xưa tới nay, ở cái làng ven đô này, khi chia gia tài, con gái chưa bao giờ được phần đất đai từ cha mẹ. Vậy nhưng mấy năm rồi đất đai nhảy múa như lên đồng mà vườn đất của bà Mỹ thì rộng, vị trí lại đắc địa, nên từ chỗ rất ngoan, các con gái bà Mỹ trở nên ghê gớm và trở thành những người... đi tiên phong trong phong trào đòi đất từ bố mẹ đẻ.
Qua nhiều lần đấu khẩu, rồi đấu võ tay đôi tay ba, mãi đến khi phiên tòa kết thúc, bản án có hiệu lực pháp luật thì căn nhà của bà Mỹ đã chia năm xẻ bảy theo đúng nghĩa đen. Lúc này phận ai nấy lo, tình cảm gia đình gần như cạn kiệt.
Về phần bà Mỹ, dù đau ốm thật đấy nhưng vẫn phải lăn ra đồng mà cày cuốc cấy hái. Mùa Hè nắng như đổ lửa nhưng bà vẫn phải lui hui trong xó nhà chật chội, nấu nướng sinh hoạt một mình…
Nhưng cái khổ của bà Mỹ vẫn chưa dừng lại. Sau phiên tòa, bà Mỹ tuyên bố phần đất của mình sẽ làm nơi xây gian thờ cúng tiên tổ. Đứa nào ngoan, bà sẽ ủy quyền, bất kể đó là con dâu hay con rể. Thời gian đầu mấy đứa con ra sức lôi kéo bà Mỹ về phe của mình nhằm… trục lợi tình thương. Chúng thay phiên nhau hầu hạ cơm nước ngay cả khi bà không đau ốm. Lúc này bà lão nghĩ chắc số mình đã “qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”. Nhưng…
Khi biết tin mẹ để lại hơn trăm mét vuông đất cho em út, mấy đứa con gái chính thức “buông” bà Mỹ. Lúc này vợ con Vương lại nay ốm mai đau; tiền bạc trong nhà có đồng nào đều đội nón ra đi.
Thậm chí anh con trai đã phải bán đi một phần nhà đất để có tiền thuốc thang cho đàn con lít nhít. Dù thương đến mấy, Vương vẫn không thể chăm sóc được mẹ già một cách chu đáo khi trái gió trở trời.
Về phần 5 cô con gái, chúng nó coi bà Mỹ như người dưng; đôi lúc để che mắt thế gian, chúng vẫn biếu bà cái này cái nọ. Tuy nhiên do đã rõ tâm địa của từng đứa, nên bà tìm cách từ chối…
Những lúc nằm co một mình, bà lão mới thấm rằng “món canh cần” không phải lúc nào cũng dễ nuốt như dân gian vẫn truyền!