Nâng cao công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh

Văn Dũng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/12, Trung tâm Công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông đường dây nóng tư vấn, can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp 1900 54 55 59 về bảo vệ trẻ em".

Tại Hội thảo lần này, các chuyên gia đã có những đánh giá về thực trạng tình hình công tác truyền thông quảng bá đường dây tư vấn, can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp với trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong năm 2023.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thùy Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP Hồ Chí Minh (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh) cho biết, kể từ năm 2019 sau khi thực hiện sáp nhập, do đổi địa điểm và bị gián đoạn trong thời gian sáp nhập, số điện thoại đường dây nóng 1900 545 559 ít được mọi người biết đến.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đường dây tư vấn của trung tâm đã bước đầu được các tổ chức, cá nhân, người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh quan tâm và sử dụng. Điều này là một bước tiến lớn trong việc phối hợp với Tổ chức Planete Enfants & Developpement (PE&D) tổ chức chiến dịch quảng bá đường dây nóng.

"Trong ba năm trở lại đây, số ca trẻ em cần được trợ giúp tiếp nhận năm 2021 là 162 ca, năm 2022 là 248 và cho đến năm 2023, số ca mà đường dây nóng đã tiếp nhận là 282 ca. Đây là một trong những thuận lợi trong công tác tư vấn, tham vấn, can thiệp và hỗ trợ các trường hợp trẻ em cần được trợ giúp. Như vậy, công tác truyền thông quảng bá về các hình thức trong năm qua đã có những thay đổi rõ rệt" - bà Dương chia sẻ.

Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP Hồ Chí Minh cho biết thêm: Khi trẻ em cần được tư vấn can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp thì sẽ được tiếp nhận, can thiệp và xử lý bằng nhiều hình thức. 

Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân báo, căn cứ vào tính chất cụ thể của các vụ việc mà cán bộ, nhân viên trung tâm trực tiếp xử lý hoặc kết nối chuyển gửi cho các chuyên gia trong hội đồng tư vấn chuyên môn, kết nối chuyển gửi cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan để hỗ trợ các vấn đề mà trẻ gặp phải.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em, Quốc hội đã thông qua 2 Luật, ban hành 12 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết, 2 Chỉ thị, 15 Quyết định, 1 Công điện về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em...

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chương trình, đề án về trẻ em giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo đảm thực hiện quyền chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phát triển toàn diện trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Hiện nay, nước ta đang có trên 25 triệu trẻ em, chiếm 25,5% tổng dân số. Trong đó, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine. Đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng, được các cấp, các ngành và cả xã hội quan tâm, chăm lo.