Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngôi làng gìn giữ nét đẹp áo dài

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) những ngày này, diện mạo nông thôn mới khang trang, sạch đẹp, những ngôi đình, đền lưu giữ dấu tích nghề xưa vẫn được người dân bảo tồn, tôn tạo.

Qua những con ngõ nhỏ, những người đàn ông trụ cột gia đình, đồng thời cũng là thợ cả, thợ chính nắm giữ nhiều bí quyết của làng nghề, vẫn ngày ngày miệt mài may cắt.

Nghề may ở địa phương được bảo tồn và phát triển qua các thời kỳ. Làng Trạch Xá hiện có khoảng 500 hộ dân thì 90% số hộ sinh sống bằng nghề may áo dài. Trẻ em trong làng từ 6 - 7 tuổi đã được làm quen với việc may, đo, đến khi 15 - 16 tuổi là có thể tự may được một chiếc áo dài truyền thống. Nhiều gia đình gắn bó với nghề may áo dài từ đời này sang đời khác, 3 - 4 thế hệ.

Gian hàng làm áo dài của làng Trạch Xá trong Festival Thu Hà Nội 2023. Ảnh: Quang Huy
Gian hàng làm áo dài của làng Trạch Xá trong Festival Thu Hà Nội 2023. Ảnh: Quang Huy

Năm 2004, làng Trạch Xá được UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) công nhận là “Làng may áo dài truyền thống”. Trong làng, có rất nhiều thợ giỏi được công nhận là nghệ nhân. Sản phẩm của làng Trạch Xá đã tham dự nhiều hội chợ làng nghề của Hà Nội. Hiện, Trạch Xá không chỉ là một làng nghề truyền thống mà còn là địa điểm văn hóa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Đã có rất nhiều du khách nước ngoài tìm đến Trạch Xá, để đặt mối quan hệ hợp tác đưa sản phẩm áo dài của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới. Hiện nay do kinh tế phát triển, làng không những may áo dài, áo tế, áo tượng mà còn làm chăn, gối, áo bông, trang phục cho các bộ phim của Trung Quốc và xuất khẩu các sản phẩm sang Hàn Quốc, Mông Cổ...

Gắn bó với nghề may áo dài truyền thống hơn 30 năm nay, nghệ nhân Đỗ Minh Tám ở làng Trạch Xá cho biết: “Nghề may truyền thống của mình - một làng khâu áo dài bằng tay, sản phẩm chủ yếu là may thủ công”. Ông là thợ cả thông thạo may áo dài cho nam giới. Sản phẩm của ông thường xuất hiện tại nhiều buổi trình diễn thời trang áo dài nam. Mẫu áo nam cổ được ông Tám thiết kế với những kiểu dáng phỏng theo những mẫu áo xưa đã từng được thợ may Trạch Xá dựng cho vua Bảo Đại và các quan lại Triều Nguyễn. Tùy theo chất liệu, chiếc áo dài nam có giá vài triệu, vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng một sản phẩm.

Trước những biến động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt của nhiều thương hiệu áo dài từ các vùng miền khác nhau, các thế hệ Trạch Xá vẫn ngày đêm miệt mài lao động để gìn giữ, phát triển và khẳng định chỗ đứng của “Áo dài Trạch Xá” không chỉ trong nước mà còn góp phần tôn vinh truyền thống văn hóa Việt Nam, nét đẹp phụ nữ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Dù trải qua bao thăng trầm nhưng chưa bao giờ nghề may áo dài ở Trạch Xá bị pha tạp bởi xu hướng hiện đại. Người làng Trạch Xá vẫn trung thành với áo dài cổ ngũ thân hay còn gọi là áo dài 5 tà. Quý hơn nữa, trong xu thế phát triển của đời sống xã hội, thế hệ trẻ ở Trạch Xá luôn yêu và gìn giữ nghề.

Hiện thanh niên Trạch Xá đã mang nghề đi khắp cả nước, ở các TP lớn, đâu cũng có người Trạch Xá đến mở tiệm may. Các tiệm may áo dài của người Trạch Xá luôn đông khách, bởi nét độc đáo, áo được may thủ công mà mũi chỉ vẫn đều, thẳng tắp, tà áo mềm mại, thướt tha, khoe được nét duyên dáng, quyến rũ của phụ nữ Việt Nam.

Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền cho rằng: trong dòng chảy của lịch sử, vị trí, thương hiệu của nghề may Trạch Xá đã được khẳng định qua ngàn năm lịch sử.

Qua bao biến thiên, thời nào làng nghề cũng có nghệ nhân thợ giỏi. Lớp trước dạy lớp sau, tre già măng mọc, lớp trước yêu nghề ra sao thì lớp trẻ kế cận cũng yêu nghề như thế, lại thêm sự năng động, sáng tạo của thế hệ trẻ, mà nghề may ở Trạch Xá dù ở phố hay ở làng vẫn giữ được nhịp điệu sôi động.