Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những chính sách thúc đẩy hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã xây dựng Đề án tổng thể chi tiết nhằm mục tiêu hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) theo quy hoạch trước năm 2035, mở rộng thêm đến năm 2045.

Đề án với 5 nhóm giải pháp gồm 23 chính sách này sẽ là kim chỉ nam giúp Hà Nội đột phá mọi khó khăn, thách thức trong đầu tư ĐSĐT.

Kịch bản chi tiết nhất

Trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, UBND TP đã trình lên HĐND TP xem xét, ban hành một nghị quyết riêng về thực hiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô. Đây được xem là kịch bản chi tiết nhất, cụ thể và đầy đủ nhất từng bước hiện thực hóa kỳ vọng hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội.

Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 đã xác định, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 10 tuyến ĐSĐT với hơn 300km.

Tuy nhiên, căn cứ thực tế phát triển của TP cũng như kinh nghiệm quốc tế, nhằm nâng cao năng lực của ĐSĐT tương xứng với vị thế, quy mô của Thủ đô, TP đã tiếp tục nghiên cứu, lên kế hoạch bổ sung thêm 5 tuyến ĐSĐT mới, nâng tổng số lên 15 tuyến với hơn 600km, phấn đấu hoàn thành vào năm 2045.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ: “Ý tưởng quy hoạch ĐSĐT cho Thủ đô đã có từ những năm 1990, nhưng chưa khi nào TP có một kịch bản hoàn thiện, cụ thể như Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô lần này. Có thể nói đây chính là kim chỉ nam, là hướng dẫn cụ thể nhất, khả thi nhất cho TP trong quá trình vươn tới một mục tiêu vô cùng lớn”.

Ông Phan Trường Thành phân tích, đề án không chỉ đưa ra một danh mục các tuyến ĐSĐT được bố trí khoa học, hợp lý, đón đầu xu thế đô thị hóa của Thủ đô, mà còn xác một lộ trình cực kỳ chi tiết với “1 kế hoạch, 3 phân kỳ”. Trong đó làm rõ giai đoạn 1 đến năm 2030 hoàn thành xây dựng 96,8km ĐSĐT của 3 tuyến, đưa vào vận hành 680 toa xe, đáp ứng 7 - 8% nhu cầu vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).

Giai đoạn 2 từ năm 2030 - 2035 hoàn thành xây dựng 301km ĐSĐT của 7 tuyến, đưa vào vận hành 2.110 toa xe, nâng mức đảm nhận VTHKC của TP lên 35 - 40%. Giai đoạn 3 từ năm 2035 - 2045 hoàn thành xây dựng 196,2km của các tuyến còn lại; đưa vào vận hành khoảng 1.375 toa xe, hoàn thành mạng lưới ĐSĐT của Thủ đô.

“Ngay cả tổng mức đầu tư, nhu cầu vốn của từng phân kỳ, nguồn tiền từ đâu, thừa thiếu thế nào, bổ sung ra sao cũng đã được Đề án làm rất rõ. Có thể nói Đề án đã cho thấy sự quyết tâm, tập trung cao nhất của Hà Nội cho ĐSĐT” - ông Phan Trường Thành nói.

Ông Nguyễn Cao Minh cho biết thêm: “Những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT đã được Hà Nội nhận diện rất rõ, từ đó đưa ra những giải pháp, chính sách cụ thể để tháo gỡ với 5 nhóm giải pháp, 23 chính sách đặc thù làm cơ sở vững chắc, tạo nên một bệ phóng cho ĐSĐT trong 2 thập kỷ tới”.

Đáp án cho mọi nan đề

5 nhóm giải pháp được Hà Nội đề xuất cho ĐSĐT tập trung vào các lĩnh vực: quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư; huy động nguồn vốn; lập, đề xuất dự án; thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ. Các nhóm giải pháp này còn được cụ thể hơn nữa trong 23 chính sách.

Chính sách 1 là UBND TP Hà Nội được điều chỉnh chức năng sử dụng cho các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất, phát triển các tuyến ĐSĐT cũng như đô thị tại đây. Chính sách 2 là trong khu vực TOD, Hà Nội được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, không gian và sử dụng đất khác với quy định chung.

Chính sách 3 là trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, TP được lập: phương án tuyến, vị trí công trình tuyến ĐSĐT; quy hoạch khu vực TOD tỷ lệ 1/2000 để quản lý, dự trữ đất cho phát triển ĐSĐT và TOD. Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án tuyến, vị trí công trình ĐSĐT và khu vực TOD do TP Hà Nội quyết định.

Chính sách 4 là Hà Nội được xem xét, quyết định những đề xuất mới, khác nội dung quy hoạch đã được phê duyệt đối với ĐSĐT và khu vực TOD mà không phải làm thủ tục điều chỉnh lại toàn bộ đồ án quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.

Về giải GPMB, thu hồi đất, chính sách 5 đề xuất cho Hà Nội được quyết định nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện dự án, rút gọn trình tự để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án.

Chính sách 6 là TP được tổ chức thực hiện GPMB theo 2 giai đoạn gồm: cắm cọc thu hồi đất khu vực depot, tuyến, thân ga; và thu hồi đất cho phần diện tích còn lại (thực hiện TOD - PV).

Chính sách 7 là TP được quyết định chính sách đặc thù về GPMB. Chính sách 8 là TP được quyết định chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn, thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; rà phá bom, mìn...

Hà Nội cũng đề xuất chính sách 9 là ưu tiên tập trung bố trí nguồn lực đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, nguồn lực từ quỹ đất cho đầu tư ĐSĐT. Chính sách 10 là sử dụng dư địa trần nợ công cho từng giai đoạn với hình thức vay phù hợp cho đầu tư ĐSĐT. Chính sách 11 là cho phép

Hà Nội được thu và sử dụng 100% tiền tái đầu tư cho ĐSĐT với các khoản: từ diện tích sàn xây dựng tăng thêm nhờ mô hình TOD; giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD; Phí cải thiện hạ tầng. Chính sách 12 là ngân sách T.Ư cân đối, bố trí vốn bổ sung có mục tiêu là phát triển ĐSĐT cho TP trong các kỳ trung hạn 2026 - 2030; 2031 - 2035.

Chính sách 13 là cho phép không phải tuân theo thủ tục thông thường trong trường hợp dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. Chính sách 14 là TP căn cứ trên các Quy hoạch đã được duyệt được quyết định chủ trương đầu tư và xây dựng dự án. Chính sách 15 là sau khi dự án ĐSĐT trong quy hoạch được thông qua chủ trương, đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn sẽ không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được triển khai ngay thiết kế kỹ thuật tổng thể và đưa ra đấu thầu.

Chính sách 16 là TP được lựa chọn tư vấn quốc tế liên danh với tư vấn trong nước để lập quy hoạch, và chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án. Chính sách 17 cho phép áp dụng triệt để hợp đồng FIDIC đầy đủ đối với dự án ĐSĐT. Chính sách 18 là căn cứ theo tiến độ thực tế của dự án, cho phép thanh toán vốn đối ứng vượt so với kế hoạch vốn hàng năm của TP mà không phải điều chỉnh.

Chính sách 19 là cho phép thực hiện thanh toán vốn ODA theo cơ chế linh hoạt phù. Chính sách 20 là trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án mà không làm tăng tổng mức đầu tư, cho phép chủ đầu tư không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và dự án.

Về kỹ thuật và công nghệ, Hà Nội đề xuất chính sách 21, TP được quyết định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; cũng như các định mức, đơn giá, phương thức thực hiện, thanh toán... cho ĐSĐT.

Chính sách 22 là hỗ trợ các DN huy động vốn để mua sắm đầu máy, toa xe. Chính sách 23 là TP bố trí kinh phí để đặt hàng với các trường nghề thực hiện đào tạo nhân lực có trình độ cơ bản về vận hành ĐSĐT trước khi dự án được đưa vào khai thác, vận hành từ 2 - 3 năm.