Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân loại chất thải rắn tại nguồn: Tìm giải pháp hiệu quả cho Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt không chỉ là thách thức mà còn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay và trong tương lai.

Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định, các địa phương phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân chậm nhất là ngày 31/12/2024 theo mục 1 Điều 75.

Thời hạn chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa nhưng các địa phương vẫn còn đang loay hoay đi tìm phương án thích hợp.

Thiếu hướng dẫn cụ thể

Điểm thu gom rác tái chế tại phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: Lam Thanh
Điểm thu gom rác tái chế tại phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: Lam Thanh

Tuy nhiên cho đến nay, Bộ TN&MT vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể nên các tỉnh vẫn còn chờ, chưa có tỉnh nào ban hành được hướng dẫn cập nhật theo Luật Bảo vệ môi trường.

Cũng trong Điều 75 tại mục 2 quy định rằng UBND cấp tỉnh phải quyết định cụ thể việc phân loại này theo nguyên tắc phân thành 3 loại là chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Mặc dù vậy, nhưng quy định phân loại cụ thể của các tỉnh cũng phải dựa trên hướng dẫn của Bộ TN&MT.

Hà Nội là đô thị lớn thứ hai trên cả nước (sau TP Hồ Chí Minh), quy mô dân số ước tính khoảng hơn 9 triệu người. Với lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý vào khoảng 7.000 tấn mỗi ngày.

Do đó, vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt không chỉ là thách thức mà còn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay và trong tương lai.

Việc phân loại rác thải sinh hoạt đã được thực hiện thí điểm từ năm 2006. Khi đó, Hà Nội đã thực hiện thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn (gọi tắt là Dự án 3R) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.

Với mục tiêu nhằm làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sau thời gian thí điểm, lượng rác đưa đi chôn lấp giảm 30%, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp…

Tuy nhiên, chỉ trong 3 năm, dự án đã phải dừng lại do JICA dừng tài trợ chương trình. Nguyên nhân không chỉ do thiếu đầu ra cho các sản phẩm làm từ rác hữu cơ, mà còn rất nhiều lý do khác.

Dự án chưa xác định được kế hoạch, chương trình hành động cụ thể cho từng khâu một như người dân phân loại rác, việc thu gom rác của công ty môi trường đô thị rồi các cơ sở xử lý rác sau phân loại.

Trong khi đó, người dân phân loại rác nhưng khi thu gom lại không phân loại. Hệ thống thùng rác quá bé để giữa phố, chỉ một lúc là rác đầy tràn ra ngoài. Các xe rác không được cải tiến, nước rác chảy ra đường, không chia ra xe nào thu gom loại rác nào...

Thiết lập vững chắc 3 chân kiềng

Từ thực tế cho thấy, để Hà Nội có thể thực hiện được yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về phân loại rác tại nguồn, cần có những giải pháp đồng bộ.

Trước hết, TP phải xác định được các công nghệ xử lý chất thải rắn chủ yếu trong những năm sắp tới để trên cơ sở đó có biện pháp phân loại phù hợp. Chẳng hạn, mục tiêu phân loại chất thải thực phẩm để đem đi ủ làm phân bón hay chôn lấp, loại chất thải rắn nào thì đem đi đốt để phát điện, tránh tình trạng Nhân dân phân loại xong, các công ty thu gom lại đổ trộn vào nhau mang đi xử lý vì không có nơi để xử lý riêng từng loại rác.

Thu gom rác thải sinh họa trên phố Hoàng Ngọc Phách, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng 
Thu gom rác thải sinh họa trên phố Hoàng Ngọc Phách, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng 

TP phải nhanh chóng ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải tại nguồn và phổ biến rộng rãi. Có thể tiến hành làm điểm một số nơi rồi rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình tốt.

Xu hướng phát triển các cơ sở tái chế cũng quyết định đến việc phân loại để phù hợp với yêu cầu của những nhà tái chế. Có cơ chế tài chính khuyến khích hoạt động tái chế như giảm thuế, ưu tiên đất đai xây dựng nhà máy.

Cần có sự đầu tư kinh phí kết hợp xã hội hóa trang thiết bị phục vụ phân loại tại nguồn. Các thùng thu gom phân loại đủ kích cỡ để thu được hết chất thải của khu vực.

Nên đưa tiền mua túi rác và thùng rác vào tiền phí vệ sinh rồi cấp túi rác theo các màu sắc quy định với từng loại rác cho các hộ gia đình. Nếu bố trí đặt các thùng gom rác cố định thì vị trí phải được tính toán thiết kế phù hợp với quy mô dân cư và tính chất của các loại chất thải được phân loại.

Quan trọng nhất đối với việc phân loại chất thải rắn tại nguồn là nâng cao nhận thức của người dân. Một trong những nguyên nhân thất bại cơ bản của các dự án thí điểm phân loại chất thải tại nguồn là người dân chưa ý thức được sự đóng góp quan trọng của mình vào công cuộc bảo vệ môi trường TP, chưa hình thành được thói quen phân loại rác.

Vì vậy, khi dự án dừng và không có thêm tiền hỗ trợ hoạt động thì công việc phân loại chất thải tại nguồn cũng bị dừng lại. Công tác giáo dục truyền thông nâng cao nhận thức của người dân phải được tiến hành thường xuyên với sự tham gia của chi bộ Đảng, tổ dân phố và các tổ chức chính trị - xã hội khác. Các nhà trường cần tổ chức dạy cho học sinh biết cách phân loại rác tại nguồn để các em áp dụng ở nhà mình.

Một vấn đề cốt yếu nữa của việc thực thi thành công quy định phân loại chất thải tại nguồn là vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan đảm bảo thực thi nghiêm minh các chế tài xử phạt vi phạm quy định vệ sinh môi trường theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP. Cần chấm dứt tình trạng “đánh trống bỏ dùi” thực hiện ra quân rầm rộ dăm bữa, nửa tháng rồi lại im.

Việc bố trí giờ đổ rác cũng cần được quy định cụ thể, phù hợp và thông báo đến từng gia đình. Kinh nghiệm của các TP khác cho thấy có thể bố trí đổ rác đã phân loại tại nhà theo các ngày trong tuần.

Chẳng hạn, chất thải tái chế đổ vào thứ Hai, chất thải thực phẩm đổ hàng ngày, chất thải nguy hại đổ vào một ngày nhất định trong tháng...

Tóm lại, để đáp ứng được yêu cầu phân chất thải tại nguồn theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quan trọng là TP Hà Nội phải thiết lập vững chắc 3 chân kiềng là hạ tầng kỹ thuật, ý thức của các hộ gia đình và thực thi nghiêm các quy định về chế tài xử phạt của pháp luật.

 

Theo số liệu thống kê, trong tổng số khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, thành phần rác thải thực phẩm chiếm 51,9% (khoảng hơn 3.600 tấn), chất trơ (da, gỗ, cao su…) chiếm 38% (khoảng 2.700 tấn), lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm 7,1% (khoảng 500 tấn). Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu được thu gom, mang đi chôn lấp chiếm 98%, khoảng 2% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt, không phát điện.