Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân loại, có lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại trong chống lãng phí

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, về đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Điều 1), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá một số nội dung liên quan việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Nghị quyết chỉ nêu tổng thể kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế chủ yếu của 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm của chuyên đề giám sát. Nội dung từng ngành, lĩnh vực cụ thể khác đã được thể hiện trong các Báo cáo của Đoàn giám sát. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không bổ sung nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc nhận định đánh giá giữa phần kết quả và tồn tại, hạn chế đối với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đảm bảo tính phù hợp, thống nhất và bỏ nhận định: cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và một số chính quyền địa phương còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chồng chéo, chưa hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại Kỳ họp
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại Kỳ họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, trong giai đoạn 2016-2021, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Các chỉ tiêu tinh giản biên chế vượt mục tiêu các nghị quyết của Đảng đề ra. Công tác cải cách hành chính nhà nước bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng. So với các lĩnh vực khác, có thể đánh giá đây là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021.

Bên cạnh các kết quả đạt được, trong lĩnh vực này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và được cập nhật bổ sung chi tiết hơn tại báo cáo của Bộ Nội vụ. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ nhận định nêu tại dự thảo Nghị quyết.

Về các kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Điều 4), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết các nhiệm vụ thường xuyên của Chính phủ, các bộ, ngành, đã được quy định cụ thể tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật liên quan; các nội dung công việc đã và đang triển khai thực hiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và đã tiếp thu, chỉnh lý nội dung tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm và báo cáo rõ kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân, đặc biệt của người đứng đầu để xảy ra các sai phạm, gây lãng phí, thất thoát; xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và kiến nghị Chính phủ giải quyết, xử lý dứt điểm ngay trong năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các nội dung nêu tại điểm a Khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết. Riêng về thời gian phải có giải pháp, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế này ngay trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo là yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phân loại, xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý vì theo báo cáo của Chính phủ, nhiều tồn tại, hạn chế này kéo dài nhiều năm, rất phức tạp không thể giải quyết hoàn thành ngay trong năm 2023.