Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan xã trả giá vì hám lợi

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lợi dụng chức quyền, đội ngũ “quan xã” thuộc xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) đã “phù phép” hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, lập khống nhiều chứng từ để rút tiền ngân sách. Kết cục của chuỗi hành vi ấy là cả “ê kíp” đã phải trả giá đắt trước pháp luật.

Từ cấp đất trái thẩm quyền…
Khi Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa các bị cáo Nguyễn Đức Nhị (SN 1954) – nguyên Phó Chủ tịch, Lê Văn Tú (SN 1952) – nguyên Chủ tịch UBND xã Phương Tú và Nguyễn Văn Thành (SN 1970) – nguyên Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Phí Trạch (xã Phương Tú) ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Liên quan đến hành vi phạm tội của nhóm cán bộ xã nêu trên, Vũ Xuân Tiệp (SN 1962) – nguyên Kế toán trưởng xã Phương Tú cũng bị xem xét cùng tội danh.

Đáng chú ý, tại phiên tòa diễn ra vào trung tuần tháng 5/2016, bị cáo Tiệp còn bị xét xử thêm tội “Tham ô tài sản”. Tuy nhiên, do không đủ yếu tố cấu thành tội danh đó nên Tiệp chỉ còn bị xử lý một tội danh với vai trò đồng phạm. Riêng bị can Lê Hồng Phung – nguyên Trưởng thôn Ngọc Động (xã Phương Tú) trong quá trình điều tra đã chết nên cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can này.
 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình

Theo truy tố, ngày 9/1/2014, UBND huyện Ứng Hòa có Kết luận số 03/KL-UBND, về việc thanh tra việc giao đất trái thẩm quyền tại khu Ao Ươm và Lưỡi A (thôn Ngọc Động, xã Phương Tú). Cùng ngày, UBND huyện Ứng Hòa cũng ra Văn bản số 10/UBND gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an huyện Ứng Hòa yêu cầu tiến hành điều tra làm rõ vi phạm các quy định về quản lý đất đai và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại xã Phương Tú.

Căn cứ vào tài liệu kiểm tra, xác minh, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Ứng Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và khởi tố bổ sung về tội “Tham ô tài sản”. Tiến hành điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội của một số cán bộ UBND xã Phương Tú trong việc cấp đất giãn dân, thu tiền trái quy định gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, từ năm 2008 - 2009, lợi dụng chủ trương của UBND huyện Ứng Hòa về việc giao cho UBND xã Phương Tú thu tiền xử lý đất lấn chiếm (theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ), bị cáo Tú cùng một số cán bộ cấp dưới đã cấp đất giãn dân trái thẩm quyền. Theo đó, tháng 8/2008, nhận chỉ đạo của bị cáo Nhị, Phung đã lập danh sách đo đạc cấp đất giãn dân trái quy định tại khu vực Ao Ươm cho 28 hộ dân, trong đó gia đình Phung cũng mua một suất với giá thấp hơn các hộ khác.

Sau khi bán trái phép 840m2 đất tại đây, Phung thu được tổng cộng gần 400 triệu đồng và mang đến nhà nộp cho Nhị. Tiếp đó, vào tháng 10/2008, vẫn theo sự chỉ đạo của lãnh đạo xã, Phung tiếp tục đo đạc và phân thành 24 suất đất tại khu Ao Ươm to có tổng diện tích 3.600m2 để bán. Quá trình san lấp mặt bằng, Phung phát hiện diện tích thực tế lớn hơn diện tích trong sổ sách là 40m2 nên cũng bán nốt cho 2 hộ dân ở địa phương. Tổng cộng, Phung thu về gần 1,9 tỷ đồng trong đợt bán đất lần thứ 2 này. Số tiền bán đất trái phép này được Phung chuyển hết vào quỹ của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ngọc Động. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2010, Phung còn nhiều lần bán tổng cộng gần 2.000m2 đất tại khu Lưỡi A để thu về số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.

Để “qua mặt” được UBND huyện Ứng Hòa, ngay sau khi cấp đất giãn dân cho hàng chục hộ dân tại địa phương, Nhị xin ý kiến và được Tú chấp thuận nên tiếp tục chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền lập khống hồ sơ, tài liệu thể hiện hàng chục hộ dân đã lấn chiếm đất từ trước năm 2004 để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Thế nhưng, việc làm sai trái của “ê kíp” cán bộ xã Phương Tú vẫn bị phát hiện sau khi thanh tra về đất đai tại địa phương. Kết quả điều tra đã xác định, hơn 4.400m2 đất tại thôn Ngọc Động nêu trên đều là đất nông nghiệp mà chính quyền địa phương phải quản lý.

… đến lập hồ sơ khống

Cáo trạng truy tố cũng xác định, ngoài việc “giật dây” cả “ê kíp” cấp đất trái phép thì bị cáo Tú còn chỉ đạo hàng loạt thuộc cấp lập khống hồ sơ trong việc xây dựng Nhà văn hóa thôn Phí Trạch (thuộc xã Phương Tú). Cụ thể, từ tháng 5/2003, công trình Nhà văn hóa thôn Phí Trạch được xây dựng với tổng số tiền quyết toán là hơn 670 triệu đồng và do Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng số 1 Hà Tây thi công. Nguồn kinh phí xây dựng nhà văn hóa là do Nhân dân đóng góp, tiền do Công ty Điện lực Hà Tây hòa trả lưới điện cao áp nông thôn và quỹ của HTX nông nghiệp Phí Trạch. Đến tháng 4/2005, nhà văn hóa xây dựng tiếp tường bao xung quanh phía Đông và phía Tây. Tổng số tiền xây dựng là gần 27 triệu đồng được trích từ quỹ phúc lợi của HTX nông nghiệp Phí Trạch.

Tiếp đó, từ tháng 2 - 8/2008, công trình Nhà văn hóa thôn Phí Trạch tiếp tục xây dựng kè đá phía Nam, mua máy phát điện và xây dựng nhà vệ sinh. Tổng số tiền xây dựng là gần 67 triệu đồng cũng được trích từ quỹ phúc lợi của HTX nông nghiệp Phí Trạch. Như vậy, công trình Nhà văn hóa thôn Phí Trạch đã được xây dựng từ tháng 5/2003 - 8/2008 thì hoàn thành các hạng mục với tổng chi phí xây dựng là hơn 763 triệu đồng. Tuy nhiên, khi biết UBND huyện Ứng Hòa thông báo cấp vốn Ngân sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, bị cáo Tú đã chỉ đạo họp và thống nhất với thường trực Đảng ủy xã. Sau đó, Tú giao trực tiếp cho bị cáo Tiệp làm thủ tục hồ sơ để ký rồi chuyển cho cơ quan chức năng, Kho bạc Nhà nước huyện Ứng Hòa để rút tiền.

Thực hiện theo chỉ đạo, Tiệp đã cùng bị cáo Thành khi đó là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Phí Trạch lập hồ sơ khống với nội dung: Xây dựng cổng và tường rào nhà văn hóa thôn với số tiền dự toán là 330 triệu đồng. Đến ngày 24/10/2008, Tú đã ký Quyết định số 47/QĐ-UB phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật, dự toán công trình Nhà văn hóa thôn Phí Trạch với các hạng mục cần xây dựng là cổng và tường rào. Theo đó, cổng và tường rào Nhà văn hóa thôn Phí Trạch được xây dựng mới với tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 329 triệu đồng và do UBND xã Phương Tú làm chủ đầu tư. Và thực tế là khoảng giữa năm 2009, xã Phương Tú đã được giải ngân 266 triệu đồng từ tiền Ngân sách của huyện Ứng Hòa.

Chưa dừng lại ở đó, năm 1994, UBND xã Phương Tú đã cho các hộ ven đường 428 (đường 75 cũ) thuê đất đến năm 2014. Theo đó, mỗi hộ được thuê một suất 20m2 với số tiền 600.000 đồng/suất để làm đất dịch vụ. Quá trình sử dụng, các hộ dân dọc đường 428 đã lấn chiếm sử dụng thêm. Theo quy định tại Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì diện tích đất lấn chiếm trước năm 2004 mà phù hợp với quy hoạch của địa phương thì được nộp tiền xử lý và được đề nghị UBND huyện Ứng Hòa cấp sổ đỏ. Đến năm 2008, khi UBND huyện Ứng Hòa có chủ trương triển khai thực hiện Nghị định trên thì UBND xã Phương Tú đã họp và giao cho bị cáo Nhị làm Trưởng ban rà soát, xử lý đất lấn chiếm, đất giao trái thẩm quyền. Qua rà soát đã phát hiện các hộ dân có đất dọc đường 428 đã lấn chiếm ra phía sau. Vì vậy, UBND xã Phương Tú đã thống nhất đưa những hộ lấn chiếm ven đường 428 vào hồ sơ để hợp thức hóa và đề nghị cấp trên cấp sổ đỏ cho người dân.

Thống nhất được chủ trương, Nhị đã giao cho Tiệp viết phiếu thu tiền của các hộ dân với giá 75.000 đồng/m2. Tuy nhiên, nội dung ghi trong phiếu thu là thu tiền thuê đất dịch vụ nợ cũ. Theo đó, đến khoảng đầu năm 2008, nhóm cán bộ xã “biến chất” này còn chiếm đoạt hơn 730 triệu đồng của 153 hộ dân trong diện được hợp thức hóa đất lấn chiếm theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Cái giá phải trả

Sau hai ngày diễn ra phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định, hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng. Vì vậy, sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Vũ Xuân Tiệp 7 năm tù và Nguyễn Đức Nhị 6 năm tù; bị cáo Lê Văn Tú 36 tháng tù và Nguyễn Văn Thành 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đối với một số đối tượng liên trong vụ án, do chưa đủ căn cứ để xử lý ở cùng vụ án này hoặc đã chết nên Cơ quan tố tụng đã quyết định tách rút hồ sơ xử lý sau.