Sửa đổi Luật Thủ đô: Từ kinh nghiệm quản trị đô thị ở các nước

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ kinh nghiệm của một số quốc gia về mô hình chính quyền đô thị, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, bộ máy chính quyền TP Hà Nội phải được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian, đảm bảo tính nhanh nhạy trong công tác quản lý đô thị.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tổ chức chính quyền đô thị linh hoạt

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, để thực hiện tự chủ cho chính quyền thành phố, cần đơn giản hoá, cơ cấu lại các cơ quan tổ chức chính quyền thành phố, hoặc phân định rõ ràng nhiệm vụ quyền hạn – tránh tình trạng dàn đều – để có thể mở rộng sự tham gia của khu vực tư, bởi số lượng công việc sẽ phức tạp và đòi hỏi cơ chế giải quyết linh hoạt hơn nhiều.

Lý tưởng nhất của mô hình tự quản thành phố kiểu Mỹ, đó là Nhà nước không chỉ cung ứng dịch vụ công cộng – mà tập trung vào việc làm xúc tác cho tất cả các khu vực (bao gồm khu vực nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực tổ chức xã hội) để chúng hoạt động giải quyết các vấn đề của cộng đồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, phải tổ chức bộ máy chính quyền linh hoạt; có sự phân biệt giữa đô thị lõi (Thủ đô) và đô thị vệ tinh, với các vùng lân cận không thuộc Thủ đô. Theo đó, chính quyền đô thị có thể tổ chức theo những mô hình khác nhau. Đặc trưng nhận diện của một chính quyền địa phương tự quản là có cơ quan đại diện để quyết định cách thức thực thi các thẩm quyền tự quản. Bên trong các đô thị tự quản có thể phân chia các cấu trúc hành chính khác, là đơn vị chính quyền đầy đủ (có cơ quan đại diện) hoặc không đầy đủ - tuỳ theo nhu cầu của đô thị đó.

Các thành phố lớn như Paris, Lyon, Marseille của Pháp là ví dụ điển hình về tổ chức chính quyền đô thị linh hoạt. Ở cấp thành phố, với vị trí pháp lý là đơn vị hành chính tự quản, nên có đầy đủ các cơ quan đại diện và cơ quan hành chính, với các thẩm quyền tự quản.

Về tổ chức, các thành phố lớn được chia ra các cấu thành hành chính nhỏ - gọi là “quận”. Có 20 quận ở Paris, 16 quận ở Marseille và 9 quận ở Lyon. Đây là điều đặc sắc bởi ngoại trừ 3 thành phố lớn, không một thành phố nào ở Pháp có thể được chia tách thành quận bên trong. Lý do tồn tại của các quận là để tạo nên sự gần gũi hơn giữa chính quyền và dân cư, giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ công – do các thành phố lớn nên chính quyền thành phố khá xa cách đối với một số khu vực địa lý. Ở mỗi quận có một hội đồng dân cử và một quận trưởng. Tuy nhiên các quận không có tư cách pháp nhân - không tồn tại độc lập trước pháp luật, mà chỉ được coi như là các “cấu thành hành chính bên trong một thành phố”. Các quận không phải là cấp chính quyền địa phương tự quản, hầu hết cơ cấu tổ chức và quyền hạn của quận phụ thuộc chặt chẽ từ thành phố.

Về thẩm quyền, 3 thành phố lớn có thẩm quyền vượt trội so với cấp xã thông thường, do chúng vừa đồng thời là xã, vừa là tỉnh. Paris vừa có quy chế của một xã, vừa có quy chế của một tỉnh. Bởi vậy thị trưởng Paris vừa mang các quyền hạn của xã trưởng, đồng thời cũng có quyền hạn của tỉnh trưởng.

“Từ mô hình đó có thể thấy việc tổ chức chính quyền Thủ đô Hà Nội theo những cách đa dạng, không đồng nhất mô hình chung là phù hợp với tự quản của đô thị. Cụ thể hơn, ở cấp phường không nhất thiết cần có đầy đủ các cơ quan như một chính quyền địa phương tự quản – tuỳ thuộc vào mức độ tự quản ở từng cấp chính quyền” - PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh nêu quan điểm.

Hà Nội cần được phân quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn

TS Nguyễn Toàn Thắng (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho hay, Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là các thành phố đã triển khai thực hiện, thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Từ vị thế là Thủ đô của đất nước, trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước, Hà Nội cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững, hội nhập quốc tế. Đây cũng là nội dung được thể chế trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và rất được quan tâm góp ý, hoàn thiện.

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia về mô hình chính quyền đô thị, TS Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, bộ máy chính quyền thành phố Hà Nội phải được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian, đảm bảo tính nhanh nhạy trong công tác quản lý đô thị. Đồng thời, cần phải mạnh dạn phân quyền, phân cấp hơn nữa cho chính quyền thành phố Hà Nội.

Với tư cách vừa là một đô thị lớn lại vừa là Thủ đô, Hà Nội cần được phân quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn, để có phạm vi quyền tự chủ cao hơn. Ở các nước thường sử dụng thuật ngữ “tự quản” đối với chính quyền đô thị. Các đô thị được quyết định các vấn đề của địa phương và các vấn đề thuộc quyền của trung ương nhưng được trao cho địa phương giải quyết.

Ngoài ra, cần thúc đẩy chế độ thủ trưởng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính ở Hà Nội. Đây cũng là chế độ được ưu tiên với chính quyền đô thị ở các nước. Chế độ thủ trưởng có ưu điểm là giúp việc ra các quyết định quản lý được nhanh chóng, kịp thời, đồng thời xác định trách nhiệm trực diện cho người đứng đầu. Chế độ thủ trưởng phù hợp với chức năng của cơ quan hành chính, là cơ quan thừa hành các chính sách và pháp luật ở địa phương…