Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa Luật Thủ đô: Tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện các dự án TOD

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) thường có quy mô lớn nên thủ tục và thời phê duyệt phức tạp, mất nhiều thời gian. Do đó, cần rút ngắn thời gian phê duyệt, tạo điều kiện cho Hà Nội có thể triển khai thực hiện các dự án…

Dự án TOD - giải pháp có thể mang lại nguồn lực đầu tư từ xã hội

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Quyết định số 1259/QĐ-TTG ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ), Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 410km. Sau hơn 12 năm thực hiện Quy hoạch, Hà Nội mới vận hành và khai thác được 13km đường sắt đô thị (tuyến Cát Linh – Hà Đông).

Phát triển định hướng giao thông công cộng trở thành hướng đi mới trong tư duy thiết kế quy hoạch đô thị ở các nước phát triển. Ảnh: Hồng Thái
Phát triển định hướng giao thông công cộng trở thành hướng đi mới trong tư duy thiết kế quy hoạch đô thị ở các nước phát triển. Ảnh: Hồng Thái

Quyết định số 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/03/2016 phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu Thành phố Hà Nội phải ưu tiên phát triển vận tải đường sắt đô thị đến năm 2030 chiếm 25-30% và sau năm 2030 là từ 35-40% ở khu vực đô thị trung tâm. Yêu cầu này đòi hỏi Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có giải pháp đột phá, đặc thù để thực hiện được các mục tiêu quy hoạch nêu trên.

 

"Chúng ta tốn rất nhiều nguồn lực để mở một con đường, bởi công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, khi sửa đổi Luật Thủ đô, Hà Nội kiên quyết đưa vào nội dung TOD, đặc biệt dành cho đường sắt đô thị.

Đây được đánh giá là một nguồn lực rất quan trọng để nhà nước có thể thu hồi giá trị thặng dư từ đất và dùng chính nguồn này để đầu tư các công trình giao thông khối lượng lớn"-Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu

Theo Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội gần đây về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư vận tải đường sắt, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đến năm 2023 là hơn 39.500 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án và nếu đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2045 (căn cứ theo Quyết định số 519/QĐ-TTg) thì cần khoảng 321.484 tỷ đồng (tương đương 13.31 tỷ USD) như đã phân tích tại Báo cáo đánh giá tác động bổ sung.

Như vậy, để có thể có thêm nguồn vốn để đầu tư cho các tuyến đường sắt còn lại, một giải pháp chính sách của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là triển khai các dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Dự án TOD là một giải pháp có thể mang lại nguồn lực đầu tư từ xã hội thông qua việc khai thác quỹ đất ở các vùng phụ cận của tuyến đường sắt, không gian ngầm và không gian trên cao ở các nhà ga của tuyến đường. Giải pháp này được quy định cụ thể tại Điều 39 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đòi hỏi có cơ chế đặc thù

Điểm đặc biệt là Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ lựa chọn quy định dự án TOD áp dụng cho đường sắt đô thị mà không áp dụng sang các loại hình giao thông khác, như đường bộ là phù hợp với nhu cầu phát triển của Thủ đô cũng như tính phức tạp của một dự án đường sắt đô thị đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù. Đối với đường bộ, mô hình phát triển TOD đã và đang được áp dụng từ nhiều năm nay trong công tác quy hoạch mà không cần phải áp dụng cơ chế dự án TOD như quy định tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Sửa đổi Luật, tạo điều kiện hơn cho Hà Nội trong triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... thuộc dự án TOD. Ảnh: Hồng Thái
Sửa đổi Luật, tạo điều kiện hơn cho Hà Nội trong triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... thuộc dự án TOD. Ảnh: Hồng Thái

Theo quy định tại Điều 39 của Dự thảo, dự án TOD là dự án tổng thể đầu tư xây dựng một tuyến đường sắt đô thị gắn với phát triển đô thị dọc tuyến và là dự án trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô. Là một dự án tổng thể, dự án TOD sẽ bao gồm nhiều dự án thành phần: gồm: Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị và mua sắm toa tàu và công nghệ vận hành; Các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở, trung tâm thương mại, khu công nghiệp ở xung quanh khu vực nhà ga (khu vực đô thị theo định hướng giao thông - còn gọi là khu vực TOD); Dự án vận hành và bảo trì hoạt động của tuyến đường sắt đô thị; Dự án giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường sắt đô thị, khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm thương mại...

Tuỳ theo điều kiện phát triển của từng dự án TOD (điều kiện xây dựng dự án tuyến đường sắt đô thị; điều kiện khai thác quỹ đất ở vùng phụ cận trong khu vực TOD…) mà các dự án TOD sẽ xác định đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị là dự án theo phương thức đầu tư công hay dự án theo phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP), như BOT hay BT. Các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở, trung tâm thương mại, hay khu công nghiệp ở xung quanh khu vực nhà ga sẽ được xác định theo phương thức đấu thầu hoặc đấu giá lựa chọn nhà đầu tư tuỳ theo điều kiện về khả năng giải phóng mặt bằng, điều kiện kỹ thuật khi thực hiện dự án.

Quy định dự án TOD là một dự án tổng thể nhằm khắc phục nhược điểm tồn tại hiện nay là các nhà đầu tư sẽ chỉ lựa chọn đầu tư (cho dù thông qua đấu giá) các dự án có lợi nhuận cao (như dự án nhà ở, dự án trung tâm thương mại…), không chú trọng đầu tư vào các dự án hạ tầng đường sắt đô thị. Dẫn đến, dự án đường sắt đô thị phải chờ vốn đầu tư công hoặc ODA trong khoảng thời gian rất lâu nên không phát huy được lợi thế về giao thông cho các dự án đô thị, trung tâm thương mại. Ngược lại, các dự án đô thị, trung tâm thương mại cũng không được triển khai đầu tư quyết liệt để chờ dự án đường sắt đô thị. Hậu quả là đô thị của Thủ đô chậm phát triển.

Một dự án TOD thường có quy mô lớn nên thủ tục và thời phê duyệt phức tạp, mất nhiều thời gian. Do đó, cần phải có một quy trình, thủ tục phù hợp để có thể rút ngắn thời gian phê duyệt, tạo điều kiện cho Hà Nội có thể triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như nhà ở và các công trình thương mại, dịch vụ và công nghiệp thuộc dự án TOD. HĐND Thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án TOD dựa trên các điều kiện về ngân sách, diện tích đất có thể đấu giá để thực hiện tái thiết đô thị, đầu tư phát triển đô thị mới, xây dựng theo quy hoạch đô thị được phê duyệt và phát triển đường sắt đô thị; sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án TOD.

 

Trong việc phát triển TOD tới đây, cần lưu ý tới vấn đề quy hoạch. Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa đề cập sâu tới quy hoạch vì chúng ta đã có Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này hoàn toàn có thể đưa ra các tiêu chí có liên quan đến công tác quy hoạch về dự án TOD như: Yêu cầu của dự án TOD là phải có sự quy hoạch đồng bộ của các dự án thành phần, quy hoạch đồng bộ các không gian liên quan; bố trí được nguồn lực, lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai đồng bộ các dự án thành phần trong dự án TOD; các nhà đầu tư cam kết triển khai đồng bộ các dự án này.

TS Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink