Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức hút mùa siêu giảm giá

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (11/11) là Ngày hội mua sắm ở Trung Quốc và một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Các thương hiệu giảm giá mạnh, thu hút lượng khách hàng mua sắm đông đảo.

Có nguồn gốc từ Ngày Lễ độc thân, ngày 11/11 trở thành “Ngày hội mua sắm” lớn nhất châu Á từ ý tưởng của tỷ phú Jack Ma, người sáng lập nên trang thương mại điện tử triệu đô Alibaba.

Có thể nói, Ngày hội mua sắm 11/11 là một trong những dịp để người đam mê mua sắm thỏa sức tận hưởng. Vào ngày này, các thương hiệu lớn ở nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là Trung Quốc, tung ra những chương trình giảm giá lớn. Có những món đồ giảm giá tới 80%, trung bình là 50%.

Theo Crescodata, một công ty công nghệ chuyên phân tích số liệu của các sàn thương mại, danh mục bán chạy nhất trong ngày 11/11 bao gồm đồ điện tử, mỹ phẩm, các món đồ làm đẹp và thời trang. Cũng theo Crescodata, năm 2019, 90% doanh số ngày 11/11 được giao dịch qua điện thoại thông minh.

Trong khi đó, ở Việt Nam, theo Cục Viễn thông Bộ TT - TT, hiện tổng số thuê bao điện thoại thông minh là 93,5 triệu, trong đó ước tính 73,5% là người trưởng thành, nghĩa là có khả năng mua sắm qua điện thoại!

Ngoài Trung Quốc, những năm qua, một số quốc gia đã lấy 11/11 làm ngày mua sắm của họ. Các thương hiệu thời trang lớn của Đức, Hà Lan, Na Uy cũng theo phong trào 11/11. Tuy nhiên, cũng có những quốc gia nói không với sự kiện này, điển hình như Australia. Và hẳn nhiên là họ có lý do của mình.

Là một chương trình sale cực sâu được nhiều người săn đón, làn sóng mua sắm ngày 11/11 cũng gây ra những hệ lụy đáng quan tâm. Những rủi ro thường gặp là thời gian giao hàng chậm, chất lượng sản phẩm không như mong muốn, đặc biệt là tình trạng các shop tăng giá ngay trước thềm sale để tạo chương trình ưu đãi giảm giá thật sâu, mà thực chất là giảm không đáng bao nhiêu, thậm chí bằng không.

Ở một góc độ khác, những ngày hội siêu giảm giá kiểu này còn là một trong những tác nhân gây chứng nghiện mua sắm. Theo các chuyên gia, khi mua hàng, não bộ sẽ tiết ra các chất endorphin và dopamine là những chất gây nghiện.

Hiện tượng này xảy ra ở khoảng từ 10 - 15% dân số. Sự tiện lợi và phổ biến của hình thức mua sắm trên mạng, mà những ngày hội mua sắm kiểu 11/11 là điển hình, cũng được coi là một trong những nguyên nhân của chứng nghiện mua sắm.

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là khi tham gia vào những ngày hội mua sắm, đặc biệt khi mua sắm mất kiểm soát, bạn đã gián tiếp, thậm chí là trực tiếp hủy hoại môi trường sống.

Chúng ta đều biết, một trong những mặt hàng thu hút nhất của ngày Siêu giảm giá là thời trang. Và chúng ta cũng biết, trên khắp thế giới đều đã và đang có những bãi rác quần áo khổng lồ mà không được xử lý một cách triệt để,

Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Đó là hệ quả của sự phát triển nhanh chóng và thành công của ngành thời trang nhanh với các thương hiệu mang tới quảng đại quần chúng các loại quần áo giá rẻ nhưng thời thượng, dẫn tới một sự thay đổi lớn trong hành vi người tiêu dùng.

Trung bình một người vào năm 2014 sở hữu quần áo nhiều hơn so với năm 2000 là 60%, đã vậy thời gian mặc trong năm 2014 chỉ còn bằng một nửa so với trước đây. Người Mỹ vào năm 2014 mua quần áo nhiều gấp 5 lần so với năm 1980.

Theo thống kê, vào năm 2014, các bãi chôn rác ở Mỹ tiếp nhận tới 10,46 triệu tấn quần áo. Cần nói thêm, thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới, đặc biệt là thời trang nhanh. Mảng thời trang này là nguyên nhân chính gây ra phát thải khổng lồ khí hiệu ứng nhà kính và các tác động tàn phá môi trường.

Đó mới chỉ nói riêng mặt hàng thời trang. Với danh sách các mặt hàng vô cùng phong phú, còn biết bao hệ lụy khác có thể đến từ những ngày hội mua sắm. Thực tế ấy đưa ra lời cảnh báo với người tiêu dùng: mua sắm là nhu cầu chính đáng, cùng DN tiêu thụ sản phẩm, kích thích kinh doanh - sản xuất, nhưng cũng đừng mua sắm quá đà, thận trọng với mặt trái của những ngày hội siêu giảm giá!