Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tốc thu hút FDI Trung Quốc chất lượng cao

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư của Trung Quốc ngày càng thay đổi với các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, sản phẩm dùng cho chuyển đổi xanh, năng lượng sạch… mang lại lợi ích cho kinh tế Việt Nam.

Trước đây, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tập trung vào các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, các sản phẩm giày da, may mặc, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa…

Tuy nhiên gần đây xu hướng đầu tư của quốc gia này chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô…

Tăng tốc thu hút FDI Trung Quốc chất lượng cao - Ảnh 1Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Channel Well Technogy Việt Nam (công ty vốn đầu tư từ Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Vào tháng 3/2024, “gã khổng lồ” Trung Quốc là Victory Giant Technology đã xúc tiến kế hoạch đầu tư một nhà máy chuyên sản xuất bảng mạch PCB vào Việt Nam, với vốn đầu tư khoảng 800 triệu USD.

Hoặc như hồi cuối năm 2023, Tập đoàn Qtech (Trung Quốc) đã đến tỉnh Nghệ An khảo sát địa điểm, tìm hiểu môi trường đầu tư tại các khu công nghiệp và đề xuất đầu tư dự án mới có tổng mức đầu tư 430 triệu USD trên diện tích đất khoảng từ 10 - 15ha. Đây là tập đoàn sản xuất module camera thuộc top 3 trên thế giới.

Công ty Luxshare-ICT Việt Nam, thuộc tập đoàn đa quốc gia Luxshare-ICT của Trung Quốc, tháng 11/2023 đã đầu tư thêm 330 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất tại Bắc Giang, nâng tổng số vốn của công ty này tại tỉnh Bắc Giang lên 504 triệu USD. Ngoài ra Luxshare-ICT cũng đầu tư vào Nghệ An 290 triệu USD với 2 dự án là Luxshare ICT 1 trị giá 140 triệu USD và Luxshare 2 trị giá 150 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An (Hưng Nguyên), để sản xuất linh kiện điện tử.

Trên thực tế từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều DN Trung Quốc đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Đồng thời, các địa phương như Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương… đón nhiều dự án công nghệ cao trong năm nay.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, từ năm 1986 đến cuối năm 2023, thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào TP Hà Nội đạt trên 11,3 tỷ USD. Trong đó, 693 dự án cấp mới còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký mới đạt 415,5 triệu USD; 107 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 135,7 triệu USD; 822 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 10,7 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ 2 trong các quốc gia lớn đầu tư tại TP Hà Nội.

Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Hoàng, đồng Chủ tịch điều hành Tập đoàn N&G cho biết, HANSIBA, Tập đoàn N&G đã ký biên bản ghi nhớ với đoàn DN Thượng Hải (Trung Quốc) về việc hình thành tổ hợp sản xuất Techno Park giữa Việt Nam - Trung Quốc, và trước mắt là Hà Nội - Thượng Hải tại giai đoạn 2 của Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.

Trong chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay, các tập đoàn, DN Trung Quốc, nắm giữ nhiều kinh nghiệm, sở hữu công nghệ, bí quyết để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn.

Do vậy, việc hợp tác đầu tư, sản xuất, xúc tiến thương mại, và nguồn vốn, quản trị tài chính DN, cung ứng đào tạo lao động kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ… giúp DN Việt Nam và Trung quốc cùng tham gia chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Giám đốc cấp cao Công ty TNHH Inventec Appliances Cheng Ming Chung cho biết: "Chúng tôi chọn Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội do có tiềm lực về sản xuất công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng giao thông thuận tiện, nằm cạnh cao tốc, gần cảng biển, tiềm năng logistics rất lớn. Chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy hơn 16ha cuối năm nay, công suất 32 triệu sản phẩm/năm, cần khoảng 10.000 - 15.000 lao động".

Từ năm 2019 đến nay, khi Bộ Chính trị chính thức ban hành Nghị quyết 50/NQ-BCT về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (tháng 8/2019), dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã có tính chọn lọc hơn, tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao, những ngành mang tính chất mũi nhọn và có tính lan tỏa.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được cải thiện, lòng tin chính trị được củng cố vững chắc hơn, hợp tác, kết nối kinh tế giữa hai nước đã diễn ra mạnh mẽ. Trung Quốc luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, hai nước đang trong quá trình thúc đẩy hoạt động hợp tác vì sự lợi chung trên các lĩnh vực xây dựng và kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, đẩy mạnh trao đổi thương mại - đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ, mở rộng đầu tư tại Việt Nam vào một số lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có tính tương hỗ như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, tài chính, dịch vụ tài chính, tài chính xanh.