Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thước đo nền hành chính phục vụ

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng như phương châm “lấy người dân, người dân là trung tâm phục vụ”, tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước, đang không ngừng đưa chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đúng với cụm từ “nhanh và gọn”, nâng cao thái độ và chất lượng công vụ.

Và với nhiều cách thức, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân được triển khai, đã tạo thêm nhiều kênh để đánh giá được thực chất vấn đề kể cả ở mặt tích cực và tiêu cực.

Mới đây, Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 1001/QĐ-BNV ban hành phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Với mục tiêu được đặt ra nhằm đánh giá khách quan, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Việc đo lường sự hài lòng sẽ được thực hiện với 3 khía cạnh: nhận định, đánh giá; mức độ hài lòng và nhu cầu, mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Trong đó, có những tiêu chí cụ thể, kể cả đo sự cảm nhận của người dân về tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu, hay cả mức độ phù hợp của các hình thức nộp hồ sơ; sự trải nghiệm về chính sách công, dịch vụ hành chính công…

Có thể nói, đây không phải lần đầu một phương pháp đo sự hài lòng được triển khai, tuy nhiên, với cách tiếp cận đánh giá mới này, coi ý kiến người dân phản hồi là một dữ liệu đầu vào quan trọng để các cơ quan hành chính tiếp tục hoàn thiện phục vụ tốt hơn; chấn chỉnh các sai phạm và cả những vấn đề chưa hợp lý. Khi các chỉ số được công bố, những chỉ số yếu sẽ tiếp tục được khắc phục bằng sự quan tâm tích cực, cụ thể của các cấp. Qua đó, thực sự cải thiện mức độ hài lòng của người dân, DN, làm đẹp môi trường đầu tư, chứ không đơn thuần là làm đẹp con số.

Tại Hà Nội, mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo cũng là vấn đề đang được lãnh đạo TP rất chú trọng. Trong đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhiều thủ tục hành chính được rút gọn, minh bạch hóa; hệ thống một cửa - một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến được triển khai đã giúp người dân, DN giảm cả thời gian và chi phí. Một hội thảo khoa học để tìm giải pháp cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội vừa được tổ chức càng cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của TP trong vấn đề này. Đồng thời lan tỏa đến cấp, ngành và xác định rõ hơn trọng trách cho đội ngũ cán bộ, công chức về nâng cao đạo đức công vụ, chấp hành kỷ cương hành chính và kỹ năng hành chính.

Thực tế cho thấy, chất lượng phục vụ người dân thể hiện trước hết ở chất lượng xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách quan trọng liên quan mật thiết đến đời sống. Bởi thế, cùng với đơn giản hóa, tối ưu hóa, số hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, việc công khai minh bạch hướng tới “5 dễ” cho người dân (dễ tìm, dễ xem, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp ý) cũng được đặt ra.

Hiện các chỉ số PAPI, PCI, SIPAS… của TP Hà Nội liên tục tăng hạng, nhưng một số chỉ số thành phần vẫn thấp. Những rào cản với DN dù đã cơ bản được gỡ bỏ nhưng đâu đó vẫn chưa như kỳ vọng, bởi đôi lúc còn xuất hiện hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu. Khi TP đã xác định rõ “trung tâm phục vụ” và nỗ lực không ngừng cho mục tiêu ấy, thêm những giải pháp đột phá, phương pháp để đo lường sự hài lòng, từ đó, hướng tới sự khách quan, minh bạch, tạo niềm tin, sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng DN, người dân vào cơ quan công quyền.