159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng
Ngày 12/7 vừa qua, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn qua ứng dụng điện thoại di động hoạt động xuyên biên giới vào Việt Nam.
Lực lượng công an đã triệu tập, làm việc với 41 đối tượng, thu giữ 72 điện thoại di động, 43 máy tính, nhiều chứng từ, con dấu của 2 công ty và các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến hành vi phạm tội của đường dây cho vay lãi nặng này.
Đây là đường dây phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia, được tổ chức chặt chẽ, do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng trong nước. Chúng lập các bộ phận chuyên trách đặt tại địa bàn 3 tỉnh, TP, gồm: Bộ phận quản lý, điều hành, thẩm định, hỗ trợ hoạt động vay tại TP Hồ Chí Minh; Bộ phận trung gian thanh toán hoạt động chi hộ/thu hộ tại TP Hà Nội; Bộ phận nhắc nợ/thu hồi nợ tại tỉnh Lào Cai, do Nguyễn Thị Hoài Thương (sinh năm 1993, trú tại quận 9, TP Hồ Chí Minh), Phạm Thị Huyền (sinh năm 1990, trú tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), Chống Ngọc Phụng (sinh năm 1999, trú tại Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) điều hành.
Các đối tượng đã lập ra Công ty TNHH Công nghệ Funmobi, sử dụng gần 300 ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động (Vndong, Hitien, Zdong, Hvay...), liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính fintech để cung cấp các gói sản phẩm cho vay trị giá từ 2 đến 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất khoảng 2.090,93%/năm.
Tính đến nay, đã có khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng Vndong, Hitien, Zdong, Hvay với tổng số tiền khách hàng vay là 1.802,1 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 659,6 tỷ đồng, số tiền thực tế khách hàng đã trả nợ là 830,1 tỷ đồng, phí phạt là 9,87 tỷ đồng, lượng tiền chiếm hưởng là 322,6 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 25/5, Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã triệt phá đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có quy mô lớn. Số lượng khách hàng vay qua hệ thống 3 app là gần 1 triệu người. Mỗi tháng, số tiền các đối tượng giải ngân cho vay khoảng 100 tỷ đồng.
Người dân phải đề cao cảnh giác
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, mức lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định nêu trên tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, trong giao dịch dân sự, mức lãi suất cao nhất được quy định là 20%/năm, tương ứng với 1,67%/tháng. Do đó, nếu cho vay gấp 5 lần trở lên với mức lãi suất được quy định này, bên vay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.
Căn cứ theo quy định này, nhóm cho vay nặng lãi xuyên biên giới bị triệt phá với mức lãi suất cao hơn quy định của pháp luật và số tiền chiếm được khổng lồ là hoàn toàn có đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự, có thể sẽ đối mặt với mức phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 3 năm.
Ngoài ra, nếu trong quá trình thu hồi khoản vay, nhóm cho vay nặng lãi có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người đi vay có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 và mức phạt đối với tội danh này có thể phạt tiền lên đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tù lên đến 2 năm.