Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường học hạnh phúc cho con

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Đó là khái niệm khá mới mẻ, chỉ có vài ba năm gần đây. Cũng mới đây, chúng tôi được biết, có một cuộc tọa đàm bàn về khái niệm này.

Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, không nên biến khái niệm tương đối trừu tượng đó thành một phong trào rồi tạo áp lực cho nhà trường, cho giáo viên.

Tuy nhiên, là phụ huynh học sinh, ai cũng muốn con mình được học ngôi trường hạnh phúc. Vậy trường học hạnh phúc là gì?

Theo báo chí, trong buổi tọa đàm nói trên, bà Louise Aukland, chuyên gia nghiên cứu về khoa học thần kinh, Đại học Oxford, Anh, cho rằng ngành giáo dục cần có trách nhiệm xây dựng một môi trường học tập tốt hơn cho học sinh. Bà Louise dẫn các số liệu nghiên cứu cho biết, cứ ba học sinh thì có một em bị bạo hành hằng tháng tại trường học và 20% thanh thiếu niên toàn cầu đang gặp vấn đề về rối loạn tâm thần.

Như vậy, trường hạnh phúc, trước hết là ngôi trường mà ở đó trẻ em vui vẻ đến trường, không bị bạo lực học đường từ bạn bè và từ chính… thầy cô giáo.

Đây là tiêu chí có quá khó khăn không?

Theo chúng tôi, trường học là nơi trẻ em dành nhiều thời gian nhất trong ngày để học tập, sinh hoạt vui chơi. Do đó, việc tạo dựng một không gian khiến trẻ em cảm thấy thoải mái, cảm giác không bị áp lực là điều cần thiết. Nơi đó, trẻ cũng không bị bạn bắt nạt là điều cần thiết.

Không gian trường học phải là nơi có chỗ để học, cũng có chỗ để chơi. Đây là điều các trường mới sau này không chú ý. Các trường chủ yếu được thiết kế hình hộp diêm, chủ yếu xây các dãy phòng học và sân trường nhỏ… Điều lạ là, nhiều nơi có quỹ đất còn rộng rãi nhưng vẫn xây trường học theo kiểu hộp diêm, chỉ có một cửa ra vào (chắc là để dễ quản lý).

Chúng tôi còn nhớ, thuở nhỏ học trường làng, sân trường rộng, lại có sân bóng đá trước cổng do trường quản lý. Chúng tôi mỗi giờ ra chơi đều ào ra sân; cuối giờ cũng ra sân, đứa chơi bóng, đứa chơi đuổi bắt… Khi đó, ngày chỉ học một buổi. Hầu như chúng tôi đều thích đến trường.

Đó có phải là trường hạnh phúc?

Tuy nhiên, chúng tôi dùng từ “hầu như” trẻ thích đến trường, vì còn có những  em buồn do học kém, đến buổi học khó trả bài, tổng kết kỳ học, năm học điểm thấp…

Vậy, chúng ta có thể xóa bỏ được áp lực cho các em học điểm thấp không?

Các chuyên gia giáo dục gần đây trong một hội thảo do Bộ GD&ĐT, hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội, tổ chức đều cho rằng đây là điều khả thi, nhà trường không nên tổng kết điểm cho mỗi học sinh rồi xếp loại năng lực chúng. Bởi, mỗi trẻ em có năng lực khác nhau, trẻ giỏi đá bóng cũng là một loại năng lực, nó sẽ bị tổn thương khi bị so sánh với em giỏi văn, toán… và bị xếp năng lực trung bình hay yếu.

Thực ra, kiểu đánh giá học sinh không dựa vào điểm số hiện đã được một số nước áp dụng, điển hình như Phần Lan và học sinh của họ không vì thế mà kém đi.

Chúng tôi vẫn ám ảnh câu chuyện, một lớp có khoảng 50 học sinh, cuối năm có 45 em có giấy khen học giỏi hay tiên tiến, còn 5 em không có gì cả ngồi trong lớp mà mặt buồn thiu.

Như vậy, chúng ta đang biểu dương, động viên các em học tốt hay bêu xấu những em học chưa tốt? Và như vậy trường học có hạnh phúc hay không?

Chúng tôi nghĩ, đã đến lúc cần xem xét lại các thứ, bỏ hay hạn chế khen thưởng, thành tích trong trường học.