Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng chuẩn mực văn hóa cho học sinh Thủ đô

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự bùng nổ về công nghệ và Internet trong giáo dục đem lại cho học sinh nhiều cơ hội kết nối với sự tiến bộ của thế giới.

Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng vô tình gây ra nhiều tác động tiêu cực đến học sinh, thế hệ trẻ nói chung, đặc biệt là đến những quan điểm, thái độ và hành vi văn hóa.

Theo các chuyên gia, thời gian gần, thực trạng đáng cảnh báo mà hầu hết các trường học đều quan tâm là việc bắt nạt trực tuyến hay bắt nạt học đường trên môi trường mạng. Cùng với đó, việc học sinh dễ dàng tiếp cận với những nguồn thông tin không chính thống trên mạng xã đác tác động đến việc hình thành nên quan điểm, tính cách và hành vi ứng xử lai căng, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, văn hóa trong giao tiếp, ứng xử trong và ngoài nhà trường.

Giờ học ngoại khóa của học sinh trường THPT Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Giờ học ngoại khóa của học sinh trường THPT Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thực trạng trên dẫ đến nhiều câu chuyện đau lòng được phản ánh trên phương tiện truyền thông như hành vi bạo lực học đường; vi phạm ứng xử văn hóa trong mối quan hệ thầy trò...

Chính vì vậy, để thực hiện tốt việc giáo dục chuẩn mực văn hóa cho học sinh Thủ đô, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai nhiều giải pháp như: triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng cường những yếu tố thuộc về phẩm chất, ý thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo.

Đồng thời, trên cơ sở Thông tư quy định Quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ GD&ĐT ban hành, Sở GD&ĐT Hà Nội đã hướng dẫn thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học trên địa bàn thành phố, cụ thể những việc nên và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử. Ban hành kế hoạch và bộ tiêu chí về Trường học hạnh phúc triển khai trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Sở GD&ĐT cũng xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, thân thiện, hạnh phúc; lấy học sinh làm trung tâm, ưu tiên bồi dưỡng phẩm chất yêu nước, tính trung thực và tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực tự học, ý thức tự chủ, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh, tư duy phản biện, phong cách làm việc khoa học, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.
Cùng với đó, ngành GD&ĐT Thủ đô đã tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống thư viện và các yếu tố hạ tầng khác.

Cụ thể, ngành GD&ĐT Hà Nội đã cố gắng đề ra giải pháp để thư viện trường học phát huy hiệu quả thúc đẩy sự đọc, trong đó có tính đến việc triển khai mô hình tiết học thư viện ở các trường đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày

. Tại Hà Nội, từ hơn 10 năm trước, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường có thư viện đạt chuẩn hoặc đủ điều kiện bố trí học sinh mỗi lớp 1 tiết/tuần tham gia hoạt động tại thư viện. Chủ trương tích cực này đã góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Nhiều trường mở rộng không gian thư viện bằng cách “biến” hành lang, góc lớp... thành những “phòng đọc” thân thiện, dễ tiếp cận.

Trường Tiểu học Bồ Đề (quận Long Biên) đã tạo một không gian mở ngay chân cầu thang với những kệ sách chia theo chủ đề, đồng thời tận dụng không gian dọc hành lang phòng đọc để trải thảm xanh, trang trí và mở rộng góc đọc.

Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) tạo không gian đọc ngay ở sảnh tầng 1 để trẻ có thể đọc sách trong giờ ra chơi hay khi chờ bố mẹ đến đón.

Những không gian này không chỉ phục vụ việc đọc sách, mà còn là nơi học sinh chơi cờ, trò chơi dân gian hoặc giao lưu cùng bạn. Tính đa năng của các không gian đọc giúp học sinh hứng thú với sự đọc, tiếp thu những giá trị văn hóa chuẩn mực của dân tộc và tránh xa được các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xây dựng chuẩn mực văn hóa cho học sinh Thủ đô trong bối cảnh thời đại 4.0 và hội nhập quốc tế, không chỉ là câu chuyện của riêng ngành giáo dục, mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả xã hội, các ban ngành đoàn thể trong thực tiễn.