Ai tiếp tay cho kẻ lừa đảo “con bị tai nạn”?

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây dư luận xôn xao vụ những kẻ lừa đảo mạo danh giáo viên và bác sĩ gọi điện cho phụ huynh để lừa đảo.

Có phụ huynh do hốt hoảng, lo cho con mình nên chuyển ngay số tiền cho số máy lạ. Kẻ mạo danh nói rằng, phụ huynh cần chuyển tiền gấp, vì con của họ bị tai nạn, chấn thương sọ não…

Sự việc bắt đầu từ TP Hồ Chí Minh đã lan ra tận Hà Nội. Mới đây, các ngành chức năng, các trường học đã có những cảnh báo kịp thời cho phụ huynh và học sinh cảnh giác.

Một phụ huynh cho biết: “Tôi có hai con đang học ở hai trường trong xã. Hôm qua, giáo viên chủ nhiệm đã nhắn tin vào nhóm Zalo thông tin về hiện tượng lừa đảo “con chấn thương”. Nhà trường đã khuyến cáo, các phụ huynh cần cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn lạ liên quan đến con mình. Các phụ huynh đã đọc và cảnh giác. Chúng tôi cũng đã nắm được các thông tin thông qua báo chí”.

Nói chung dư luận sau hoang mang là phẫn nộ, các phụ huynh đều mong mỏi cơ quan chức năng sớm làm rõ sự việc, bắt những kẻ lừa đảo và trừng trị chúng một cách nghiêm khắc. Bởi, vụ lừa đảo không chỉ khiến nạn nhân bị mất tiền, chấn thương về tinh thần mà còn gây hoang mang trong xã hội…

Điều còn lại: Nhiều phụ huynh thắc mắc là tại sao kẻ gian có số điện thoại của mình, biết rõ tên của mình cùng tên con cái, lớp học của chúng? Đây là điều nhiều người mong công an sớm làm rõ để chấn chỉnh.

Có ý kiến cho rằng, phải có kẽ hở như thế nào đó thì kẻ gian mới lấy được thông tin về cha mẹ, học sinh, cùng số điện thoại, thậm chí gia cảnh của họ để đe dọa hoặc lừa đảo.

Có người cho biết, con của họ học lớp nào, tên gì mà trung tâm dạy thêm nắm rõ để mời chào nhập học. Không loại trừ kẻ gian mua tệp thông tin từ đâu đó, bên cạnh việc thu thập từ các trang mạng, nhóm xã hội…

Một phụ huynh cho biết: Có trường dùng trang mạng đăng rõ tên các học sinh và phụ huynh; thậm chí còn in ra dán ở cổng trường khi có việc như phân lớp…

Ý kiến của phụ huynh này cần được các trường lưu ý dù việc lộ thông tin chỉ là cá biệt, số ít. Đây là vấn để cần làm rõ để việc bảo mật thông tin về phụ huynh và học sinh được tốt hơn.

Cuối cùng, ở thời đại công nghệ thông tin, mặt trái của nó là nhiều dạng tội phạm mới xuất hiện. Đây là lúc, nhà trường cần tập huấn cho học sinh, và cả đội ngũ giáo viên nữa, đồng thời luôn nhắc nhở phụ huynh về những dạng lừa đảo có thể xuất hiện để cảnh giác.

Thầy cô giáo và các phụ huynh luôn mong mỏi các em học sinh bên cạnh học ngoan là an toàn. Đó là điều kẻ gian nắm rõ và lợi dụng tâm lý yêu thương, lo lắng cho trẻ nhỏ để trục lợi.

Người dân một mặt đề cao cảnh giác nhưng cũng mong mỏi có sự phối hợp tốt của các cơ quan chức năng nói chung, nhà trường nói riêng để ngăn chặn kẻ gian, bởi chúng lại sẽ có những hành vi, thủ đoạn mới lừa đảo người lương thiện.