Là những người trẻ tuổi thuộc thế hệ gen Z, gen Alpha trong khi chờ đợi các chính sách từ các cơ quan quản lý để đồng bộ việc phân loại rác thải tại nguồn, chúng tôi có một sáng kiến hoàn toàn có thể áp dụng được tại tất cả các mô hình trường học.
Đó là quy định việc phân loại rác thải như một hoạt động bắt buộc của nhà trường. Cụ thể, vào mỗi thứ Hai hàng tuần, thầy cô và học sinh sẽ thực hiện tổng vệ sinh, phân loại rác định kỳ khu vực lớp học và khu vực chung. Hoạt động này đóng góp một phần quan trọng vào sự đa dạng của các hoạt động trong trường học.
“Đề xuất đưa việc phân loại rác thải tại nguồn vào thành hoạt động mang tính bắt buộc tại nhà trường là khả thi bởi vì chỉ có thể giải quyết một cách quyết liệt, chính thức, đồng bộ tại tất cả các khâu, các “nguồn” bao gồm cả sự chuẩn bị kỹ lưỡng quy trình, công nghệ xử lý rác thải thì mới có thể đáp ứng được mục tiêu đã đề ra” - ông Trịnh Hữu Toản – Chủ tịch Công ty Năng lượng và Môi trường Miền Bắc (NESEN) cho hay.
Để làm được việc đó, trước tiên nhà trường cần phân bổ các thùng rác theo quy chuẩn (2 - 3 ngăn) theo từng cụm lớp học. Do đặc điểm rác thải tại các trường học khá an toàn (ít có các vật sắc, nhọn, không có các chất cháy, nổ) nên các cụm lớp học có thể chủ động quản lý được.
Nhà trường sẽ phối hợp với đơn vị thu gom rác thải đánh giá kết quả phân loại rác của từng cụm và có báo cáo nhanh hàng tuần. Dựa trên các báo cáo này, nhà trường sẽ nắm rõ cụm lớp học nào thực hiện được tốt nhất.
Khi một hoạt động được đẩy lên thành một tiêu chí để chấm điểm, thậm chí đưa vào học bạ, chắc chắn không chỉ các học sinh mà chính các thầy cô giáo cũng phải quan tâm, chú trọng hơn.
Bên cạnh đó, cũng cần có thêm những hoạt động bên lề hàng tuần hoặc hàng tháng trưng bày, giới thiệu, trao đổi các sản phẩm tái chế từ rác sinh hoạt của chính các bạn học sinh. Những sản phẩm này có thể được thực hiện trong giờ học thủ công, thay vì một số sản phẩm thiếu tính thực tiễn như hiện nay.
“Tôi cho rằng sáng kiến này khá phù hợp với đối tượng học sinh từ cấp THCS trở lên. Các em đã có ý thức để hành động phù hợp, vừa đảm bảo an toàn, vừa thực hiện được việc phân chia rác thải một cách hợp lý” – thầy Hồng Thái – giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định.
Câu chuyện vì một tương lai không rác thải nhựa sẽ còn là rất xa, nhưng câu chuyện giảm thiểu tác hại của chất thải rắn, tái sử dụng chúng một cách hiệu quả lại rất gần. Không ai khác, thế hệ gen Z, gen Alpha cần phải làm việc đó và chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ làm được.