Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng này, cùng với hoàn thiện cơ chế, chính sách, cần tăng cường phân cấp, ủy quyền trong quản lý hoạt động quảng cáo cho các địa phương.
Thiếu cơ chế khai thác quảng cáo tại không gian công cộng
Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội vừa tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo tại một số địa phương, đơn vị. Qua giám sát, ông đánh giá như thế nào đối với công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay?
- Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đã tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội. Qua giám sát trực tiếp tại một số quận, huyện và làm việc với một số sở, ngành liên quan của TP cho thấy, cùng với những thay đổi tích cực chung, “sáng, xanh, sạch đẹp” của bộ mặt đô thị Thủ đô, hoạt động quảng cáo có sự phát triển mạnh mẽ và dần đi vào nền nếp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Sở VH&TT, Sở TT&TT đã phối hợp với các sở, ban, ngành TP tham mưu phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP, ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP và nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Quảng cáo, quy định pháp luật liên quan; đồng thời tổ chức thực hiện có kết quả các nội dung quản lý hoạt động quảng cáo. Các cơ quan chuyên môn đã chủ động tham mưu cho TP nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, đi đầu cả nước về nhiều nội dung trong quản lý hoạt động quảng cáo. Quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, xuất bản phẩm, không gian mạng cũng được tăng cường.
TP đã phân cấp cho các quận, huyện, thị xã quản lý hoạt động quảng cáo màn hình LED, quảng cáo rao vặt và biển hiệu thuộc địa bàn. Việc phân cấp đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, DN, tổ chức và Nhân dân địa phương, tăng tính chủ động trong việc quản lý và tổ chức triển khai các hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo cũng được triển khai tích cực. Từ năm 2018 đến nay, Sở TT& TT đã thực hiện rà soát 253 trang thông tin điện tử tổng hợp của 92 đơn vị có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật quảng cáo. Hà Nội cũng đi đầu trong cả nước về xử lý vi phạm quảng cáo qua mạng viễn thông...
Theo ông, còn những hạn chế, khó khăn gì trong quản lý hoạt động này?
- Bên cạnh kết quả quan trọng đạt được, việc tham mưu, xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo còn chưa đồng bộ, chậm được điều chỉnh. Công tác hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo có lúc chưa rõ, chưa kịp thời. Cơ chế phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo giữa các cấp, ngành còn thiếu, chưa đồng bộ. Một số quy định về xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật còn chưa rõ ràng gây khó khăn cho công tác cấp phép, quản lý hoạt động quảng cáo.
Bên cạnh đó, việc chưa công bố công khai và chưa có kế hoạch triển khai Quy hoạch quảng cáo ngoài trời dẫn đến các quận, huyện, DN khó khăn trong thực hiện quy hoạch. Việc xây dựng tuyến phố điểm về quảng cáo biển hiệu tại các quận, huyện, thị xã còn lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể về thiết kế, hình thức, bố cục chung của các biển hiệu, biển quảng cáo trên các tuyến phố điểm. Nhiều không gian công cộng có thể khai thác, kinh doanh quảng cáo nhưng chưa có cơ chế thực hiện.
Một số hạn chế cụ thể như công tác quản lý biển quảng cáo tấm lớn còn bất cập, vi phạm cũ chưa được giải quyết dứt điểm, một số vi phạm mới tiếp tục phát sinh, có nơi tái vi phạm. Quảng cáo rao vặt còn tràn lan ở một số đường phố, khu dân cư, khó xử lý dứt điểm. Quảng cáo biển hiệu tại một số tuyến phố còn lộn xộn, vi phạm về kích thước, treo và đặt không đúng nơi quy định, lấn chiếm vỉa hè, lề đường; vi phạm trật tự xây dựng; còn tồn tại bảng quảng cáo, biển hiệu chỉ viết bằng tiếng nước ngoài, trái với quy định của pháp luật...
Để ngành công nghiệp quảng cáo phát triển xứng tầm
Hiện nay, một số TP lớn, như TP Hồ Chí Minh đang có nguồn thu rất tốt từ hoạt động quảng cáo và coi quảng cáo là một trong những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng. Với TP Hà Nội, ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Thực tế trong những năm qua, hoạt động quảng cáo đã được TP quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo môi trường tích cực cho phát triển. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó quảng cáo là một trong 12 ngành, sản phẩm công nghiệp văn hóa được lựa chọn phát triển. Mục tiêu đặt ra là các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 5% GRDP TP năm 2025 và 8% GRDP TP năm 2030. UBND TP đã phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP (Quyết định số 1997/QĐ-UBND ngày 24/4/2018).
Căn cứ Nghị quyết của Thành ủy, Quyết định, kế hoạch của UBND TP, Sở VH&TT, Sở TT&TT cùng các sở, ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã đã quan tâm tạo điều kiện phát triển lĩnh vực quảng cáo và thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo.
Tuy nhiên, do khó khăn về thống kê nên chưa xác định được cụ thể, định lượng được mức đóng góp của lĩnh vực quảng cáo cho GRDP, thu ngân sách của TP. Do đó cũng chưa đưa ra được mục tiêu cụ thể về tăng trưởng, tỷ trọng, đóng góp vào GRDP, nguồn thu ngân sách của lĩnh vực quảng cáo trong định hướng đến năm 2025, 2030. Chúng ta cũng chưa nhận diện, định vị rõ được vai trò của lĩnh vực quảng cáo dẫn đến chưa hiệu quả trong quản lý, có thể để lãng phí nguồn lợi từ quảng cáo, chưa khơi thông được các động lực, nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này.
Theo ông, Hà Nội có tiềm năng nổi bật nào để phát triển quảng cáo thành ngành công nghiệp văn hóa?
- Theo số liệu báo cáo, TP Hà Nội hiện có khoảng 800 DN đang hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo với nhiều hình thức đa dạng khác nhau. Thực tế đang hoạt động hiện nay trên địa bàn TP có khoảng 50 màn hình LED quảng cáo đặt ở những vị trí đắc địa, 275 bảng quảng cáo bằng bảng hộp đèn, hàng nghìn giá treo banner quảng cáo và hệ thống quảng cáo ngoài trời khác. Đồng thời, rất nhiều không gian công cộng, nhiều địa điểm có thể khai thác cho hoạt động quảng cáo…
Đó là tiềm năng nổi trội, riêng có của Hà Nội để phát triển quảng cáo trở thành ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp quan trọng cho GRDP của TP, đồng thời góp phần quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, lan tỏa những giá trị văn hóa thấm đẫm bản sắc Thăng Long - Hà Nội.
Tuy tiềm năng, lợi thế về phát triển lĩnh vực quảng cáo của Hà Nội rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ, cụ thể; chưa được khai thác, phát huy mạnh mẽ, xứng tầm để đóng góp cho sự phát triển công nghiệp văn hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Thủ đô.
Qua đợt giám sát chuyên đề vừa qua của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, chúng tôi nhận thấy nhận thức về vai trò của quảng cáo trong phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương, đơn vị chưa thực sự thấu đáo; dẫn đến quản lý chưa sâu sát, chặt chẽ và thiếu sự quan tâm thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Vì thế, trước hết cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức về lĩnh vực quảng cáo, không chỉ với người dân, DN mà cả với một số cấp, ngành, đơn vị.
Đồng thời, cần khẩn trương rà soát tổng thể hiện trạng các bảng quảng cáo, biển quảng cáo trên địa bàn TP; phân loại rõ đối với các bảng quảng cáo sai quy hoạch, có vi phạm để có giải pháp kiên quyết xử lý triệt để, kịp thời, lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này.
Một vấn đề nữa là cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về phân công, phân cấp quản lý Nhà nước theo hướng tiếp tục tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở phù hợp với năng lực của từng địa phương; quy định rõ nội dung quản lý của các cấp, ngành; xây dựng quy chế phối hợp các lực lượng liên ngành cấp TP để thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo trên địa bàn TP.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, cần được sớm cụ thể hóa các quy định trong Luật để phát huy hiệu quả trong thực tiễn, trong đó có những quy định liên quan đến “trung tâm công nghiệp văn hóa”, “khu phát triển thương mại và văn hóa” và nhiều cơ chế, chính sách đặc thù khác.
Trên cơ sở Luật Thủ đô và các quy định pháp luật, cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào ngành quảng cáo và có chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP, hướng tới xây dựng quảng cáo thực sự là một trong những lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa, mang lại lợi ích kinh tế cho Thủ đô và đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Từ điều kiện thực tế, yêu cầu phát triển mới, cần khẩn trương rà soát, bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch quảng cáo ngoài trời và xây dựng Đề án phát triển ngành quảng cáo gắn với thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, có giải pháp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về quảng cáo trên địa bàn TP.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình