Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 

Bảo đảm phòng cháy phù hợp với từng loại hình nhà ở 

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật 

Trình bày Tờ trình, Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều, trong đó dành riêng một chương quy định về “phòng cháy”. Bên cạnh việc kế thừa, Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định mới để khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy.

Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình
Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình

Việc xây dựng Luật còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới.

Cùng đó, Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.

Dự thảo Luật đã bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong đó, Điều 17 Dự thảo Luật về phòng cháy đối với nhà ở đã quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở. Cụ thể, hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy; chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; có giải pháp thoát nạn; chuẩn bị thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn;

Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV
Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV

Bên cạnh đó, điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh thực hiện theo quy định nói trên và phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh.

Nghiên cứu bổ sung quy định quản lý phương tiện giao thông chạy bằng điện 

Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PCCC&CNCH.

Để bảo đảm thông tin đầy đủ, làm cơ sở cho Quốc hội xem xét quyết định về dự án Luật PCCC&CNCH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung, cập nhật một số nội dung, thông tin, số liệu đến thời điểm báo cáo Quốc hội trong các báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về PCCC&CNCH; báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp theo hướng cụ thể hóa nội dung tiếp thu...

Về hoạt động phòng cháy, Ủy ban Quốc phòng - An ninh lưu ý, cần nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp với từng loại quy hoạch; xác định rõ hơn cách thức áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng loại công trình, dự án; phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào thì mới phải có giải pháp, thiết kế PCCC; rà soát, thống nhất các quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, phân công phối hợp trong thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới báo cáo thẩm tra

Cùng đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc, quy định giao trách nhiệm “tổ chức nghiệm thu về PCCC” cho chủ đầu tư dự án, công trình, chủ phương tiện giao thông cơ giới; tiếp tục đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở; nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở trên từng địa bàn, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó cần quy định cụ thể về yêu cầu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện. Nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý phương tiện giao thông chạy bằng điện.

Liên quan hoạt động chữa cháy, để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu bổ sung làm rõ trách nhiệm thanh toán chi phí sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khi thực tập phương án chữa cháy của cơ quan công an và phục vụ công tác chữa cháy.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng cần làm rõ việc bố trí các trụ nước chữa cháy trên mạng lưới cấp nước tập trung hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hay tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về cấp nước; bổ sung quy định cho phép người chỉ huy chữa cháy được quyền “cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực chữa cháy”; bổ sung thêm chủ thể “chủ hộ dân, thành viên hộ gia đình” là người chỉ huy chữa cháy tại thôn, tổ dân phố trong trường hợp trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đội trưởng đội dân phòng vắng mặt…

Về đảm bảo điều kiện cho hoạt động PCCC&CNCH, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị nghiên cứu quy định riêng với người tham gia chữa cháy và người tham gia CNCH để bổ sung quy định cụ thể hơn về chế độ, chính sách cho từng nhóm đối tượng; cân nhắc kỹ tính hợp lý của quy định hỗ trợ cho hoạt động PCCC và CNCH từ Quỹ phòng chống thiên tai; nghiên cứu, thể hiện rõ và đầy đủ hơn các nguồn đầu tư và cơ chế để huy động nguồn tài chính ngoài ngân sách đầu tư cho công tác PCCC&CNCH.

Chiều nay Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật PCCC&CNCH.