Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bầu cử Quốc hội Anh: Quyết định Brexit "cứng" hay "mềm"

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/6, giờ địa phương, cử tri Anh sẽ tham gia cuộc bầu cử Quốc hội, có tính chất quyết định đối với tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit.

Sau cuộc bỏ phiếu, cục diện đảng cầm quyền của nước Anh sẽ lộ diện. Càng gần đến giờ G, cuộc bầu cử càng trở nên gay cấn và khó đoán. Nguyên nhân là do một loạt các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Anh trong thời gian qua đã gây ra sự xáo trộn trong tâm lý cử tri. Đặc biệt, sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn xảy ra tại London đêm 3/6 vừa qua, vấn đề chống khủng bố một lần nữa được tô đậm và xem là “chìa khóa” trong chiến dịch tranh cử của các đảng. 
 Thủ tướng Anh Theresa May trong chiến dịch bầu cử.
Khi chiến dịch tranh cử bắt đầu, đảng Bảo thủ của bà Theresa May dẫn trước tới 20 điểm % và được cho là sẽ chiếm đa số ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, việc các lực lượng an ninh Anh không thể ngăn chặn vụ tấn công ở cầu London và khu chợ Borough đã khiến đảng Bảo thủ mất lợi thế.
Đối thủ của bà May là ông Jeremy Corbyn - lãnh đạo Công đảng đã không bỏ lỡ dịp này để tấn công năng lực đảm bảo an ninh cho nước Anh của bà May. Đặc biệt, đối thủ của Thủ tướng Anh đã nhấn mạnh vào chi tiết bà May cắt giảm biên chế 20.000 cảnh sát từ 2010 - 2016, khi còn nắm giữ chức vụ Bộ trưởng nội vụ Anh. Lãnh đạo Công đảng Corbyn cho rằng, đây chính là nguyên nhân khiến nước Anh bị đe dọa. Điều này dẫn đến việc ưu thế của đảng Bảo thủ đã bị thu hẹp, hiện chỉ còn dẫn trước với 3 - 4 điểm %.
Còn theo kết quả thăm dò của YouGov, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May có khả năng chỉ giành được 305 ghế Quốc hội Anh trong cuộc bầu cử tới, tức là thiếu 21 ghế để đạt được đa số (326/650 ghế).
Trước tình hình này, bà May đã tuyên bố sẽ thay đổi luật theo hướng siết chặt hơn nhằm ngăn chặn nạn khủng bố. Bà khẳng định sẽ đề xuất các phạt tù nặng hơn cho những người bị kết tội khủng bố và cân nhắc mở rộng thời gian tạm giữ lên 28 ngày thay vì 14 như hiện nay, với hy vọng lôi kéo được thêm sự ủng hộ của cử tri.
Các nhà phân tích nhận định, trong trường hợp đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh không giành được đa số ghế, bà May sẽ buộc phải liên minh với các đảng khác để tiếp tục lãnh đạo một chính phủ liên minh. Điều này sẽ gây ra hệ quả bất ổn với nền kinh tế Anh, trong đó, chính sách của chính phủ về mọi vấn đề, từ chi tiêu của chính phủ, thuế công ty tới việc phát hành trái phiếu sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu tình huống này xảy ra, trước mắt, đồng Bảng sẽ mất giá bởi các nhà đầu tư xuất hiện tâm lý e ngại trước sự thiếu chắc chắn của tình hình chính trị.
Còn về dài hạn, nếu phải liên minh với các đảng bà May bắt buộc sẽ phải nhượng bộ phần nào trong việc đưa ra quyết định về tiến trình Brexit. Điều này có thể dự báo một tiến trình Brexit “mềm”, tức ưu tiên đàm phán để Anh được quyền tiếp cận tự do vào thị trường EU và hướng tới có thỏa thuận thương mại với EU một cách hợp lý nhất. Việc tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với EU sẽ có lợi hơn cho các công ty và nhà đầu tư khi làm ăn tại Anh. Như vậy, về dài hạn, điều này lại có lợi cho đồng Bảng, vốn có xu hướng mất giá nếu xảy ra Brexit "cứng".