Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các liền anh, liền chị Quan họ thỏa niềm đam mê biểu diễn

Minh Hường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 13 năm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dân ca Quan họ đã phát triển mạnh mẽ ở khắp các làng, quê, khu phố...

Từ 44 làng Quan họ gốc, phát triển 150 làng Quan họ thực hành, gần 400 CLB Dân ca quan Quan họ với hàng nghìn người ở các độ tuổi tham gia, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Biểu diễn dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ảnh: Phạm Hùng
Biểu diễn dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ảnh: Phạm Hùng

Được thành lập năm 2006, CLB Quan họ thực hành khu phố Nguyễn Trãi, phường Ninh Xá (TP Bắc Ninh) chỉ có gần 10 thành viên, đến nay có gần 30 người từ 40 - 73 tuổi. 16 năm thành lập, CLB luôn duy trì sinh hoạt đều đặn vào tối thứ Năm và thứ Bảy hàng tuần. Đến đây, các thành viên được gặp gỡ, giao lưu và cùng ca những làn điệu Quan họ từ dễ đến khó. Người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết, các thành viên chăm chỉ, thi đua nhau rèn luyện câu ca.

Không giống những CLB Quan họ thực hành khác thường học hát Quan họ có nhạc đệm để biểu diễn trên sân khấu, CLB Quan họ khu phố Nguyễn Trãi lại hướng tới mục tiêu học hát Quan họ cổ đối đáp ngay từ khi mới thành lập. Chính vì vậy, CLB cũng có nhiều cặp đi thi hát Quan họ cổ đối đáp đầu xuân và đạt giải như cặp liền chị: Nguyễn Thị Luyện, Nguyễn Thị Mai; Nguyễn Thị Lai, Nguyễn Thị Ngọ…

Hầu hết các thành viên đều thuộc ít nhất 50 bài Quan họ cổ đối đáp, 10% số thành viên thuộc 150 bài Quan họ cổ. Để tạo thuận lợi trong tập luyện, CLB chuẩn bị giáo án 150 bài Quan họ cổ đối đáp cho các thành viên làm tư liệu học tập. Ngoài ra, CLB còn mở canh hát đối đáp mời các làng Quan họ gốc về giao lưu để học hỏi và đi dự các CLB khác sinh hoạt.

Người dẫn dắt để CLB hoạt động bài bản, chất lượng phải kể đến liền chị Phạm Thị Quế - Chủ nhiệm CLB. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nam Định nhưng làm dâu Bắc Ninh nên liền chị Quế đã sớm yêu những làn điệu Quan họ. Chị cho hay: Ban đầu, tôi tự mày mò học trên mạng, sau đó quen với nghệ sĩ Thúy Hường, Thúy Cải và được 2 nghệ sĩ truyền dạy trực tiếp.

Từ những vốn liếng và kỹ thuật hát được học, tôi về truyền đạt lại cho các thành viên trong CLB. Tham gia sinh hoạt CLB, các thành viên không chỉ được thỏa niềm đam mê, nâng cao đời sống tinh thần mà còn góp phần gìn giữ vốn Quan họ cổ quý báu ông, cha để lại.

CLB Quan họ thực hành khu phố Nguyễn Trãi chỉ là một trong số hàng trăm CLB Quan họ thực hành đang hoạt động sôi nổi tại các địa phương. Để Quan họ ngày càng lan tỏa và phát huy giá trị, từ những ngày đầu tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ như: Quy chế xét tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ kinh phí cho làng Quan họ gốc, các làng Quan họ thực hành trên địa bàn và CLB Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong và ngoài tỉnh; đầu tư hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa, các trang thiết bị liên quan trực tiếp đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phục dựng các Nhà chứa Quan họ tại các làng Quan họ gốc tiêu biểu…

Đặc biệt công tác tuyên truyền, quảng bá được chú trọng với nhiều hình thức như tổ chức các Festival, chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ”, hát Quan họ trên thuyền, hội thi hát Quan họ đầu Xuân; biểu diễn, quảng bá, giới thiệu Dân ca Quan họ tại các tỉnh, TP và một số nước trên thế giới…

Có thể thấy, các CLB Quan họ thực hành ngày càng phát huy tích cực vai trò của mình trong sinh hoạt giao lưu văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn. Việc đẩy mạnh phát triển các CLB Quan họ thực hành không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh mà còn là động lực thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại các địa phương.