Chứng khoán giảm sâu là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn

Phương Nga thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc, thời điểm hiện tại chưa thể xác định chắc chắn điểm đáy, cộng với chính sách tiền tệ thắt chặt, an toàn nên đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, đây là cơ hội cho nhà đầu tư trung và dài hạn.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam.

Thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục giảm sâu. VN-Index có thời điểm "thủng đáy" 1.000 điểm kể từ năm 2020. Trong bối cảnh này, đứng ngoài thị trường, ngồi im hay bắt đáy là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc về vấn đề này.

Chứng khoán giảm sâu, không quá đáng lo

Thời gian qua, TTCK liên tục giảm sâu. Vốn hóa thị trường "bốc hơi" hàng triệu tỷ đồng. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- VN-Index từng vượt mốc 1.000 điểm vào năm 2007 sau đó giảm sâu, mãi đến năm 2020 mới trở lại mốc này, song đến phiên 24/10 đã bị xuyên thủng. Việc thị trường chứng khoán trong nước giảm mạnh bất chấp nhịp hồi tốt gần 2 tuần của chứng khoán quốc tế, cũng như thông tin kết quả kinh doanh quý III tích cực là một nghịch lý. Điều đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng.

Theo tôi, hiện tượng này là bình thường, không quá đáng lo vì thị trường về thực chất. Trước đó, cái đáng lo ngại và cảnh báo đó là bong bóng bất động sản chứng khoán đang lớn, nhưng giờ đã xẹp đi đáng kể và không ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường chứng khoản giảm điểm mạnh, liên quan đến kinh tế, lãi suất tăng trên toàn cầu, chính sách tiền tệ siết chặt… tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.

Đầu tiên, động thái tăng lãi suất điều hành cùng với đó là hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng vừa qua đã tác động mạnh lên thị trường chứng khoán. Điều kiện tài chính trở nên eo hẹp trên toàn cầu khi ngân hàng trung ương đồng loạt nâng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ là nguyên nhân chính khiến thanh khoản trên kênh đầu tư rủi ro như cổ phiếu giảm đi nhanh chóng. Nhiều nhà đầu tư đã rút tiền về gửi ngân hàng. Cùng với đó, trong bối cảnh tỉ giá căng thẳng, về nguyên lý, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam để mang tiền về các nước phát triển như Mỹ nhằm hưởng lợi từ việc đồng USD tăng mạnh.

Bên cạnh đó, những sai phạm của các DN lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… và tin đồn cũng ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.

Khi thị trường giảm đủ sâu và dòng tiền bắt đáy quay trở lại thì thị trường mới có thể lấy lại sự cân bằng. Cùng với đó, những tin đồn không trở thành hiện thực sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định và yên tâm hơn vào thị trường.

Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã có những động thái mạnh tay làm sạch thị trường. Theo ông, động thái này ảnh hưởng như thế nào đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư?

- TTCK rất nhạy cảm với những thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt nhạy cảm với lòng tin của nhà đầu tư.

Việc các cơ quan chức năng mạnh tay làm sạch thị trường chứng khoán đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, thì đây là “liều thuốc bổ” của thị trường, giúp thị trường củng cố niềm tin.

Đáng chú ý, song song với các đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra, pháp lý cho phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng được hoàn thiện khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được ban hành. Quy định về điều kiện và hồ sơ phát hành tại Nghị định mới này đã được điều chỉnh để đảm bảo tăng tính minh bạch của việc phát hành trái phiếu DN, tăng tính tiếp cận thông tin của chủ thể phát hành và của nhà đầu tư. Theo hướng như vậy, về mặt dài hạn, đợt phát hành sắp tới thị trường trái phiếu sẽ có chất lượng hơn, giảm lượng nhưng tăng chất.

Nhà đầu tư nên bình tĩnh

Từ nay tới cuối năm, thị trường chứng khoán đứng trước nhiều rủi ro khi tỷ giá, lãi suất, lạm phát... chịu nhiều áp lực tăng cao. Theo ông, thị trường sẽ cần thêm điều gì để có thể hồi phục?

- Trong bối cảnh xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo từ nay tới cuối năm sẽ tăng thêm 2 đợt lãi suất nữa. Trong nước, để tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ.

Đây đều là những thông tin bất lợi cho DN, thị trường chứng khoán. Bởi khi chi phí vốn của DN tăng, đồng nghĩa với biên độ lợi nhuận giảm, thị trường kém hấp dẫn, dòng vốn sẽ chọn kênh an toàn để trú ẩn.

Yếu tố niềm tin trong bối cảnh thị trường hiện nay là rất quan trọng. Đồng thời biến động dòng tiền trong nền kinh tế sẽ mang tính quyết định tới sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Nhà đầu tư trên thị trường đang kỳ vọng vào chính sách điều hành vĩ mô linh hoạt, công khai, minh bạch hơn nữa, nhằm tránh tác động không đáng có của tin đồn, suy diễn thiếu căn cứ và từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chung.

Ông có lời khuyên nào với nhà đầu tư trong bối cảnh này?

- Làn sóng bán tháo lần này chủ yếu là ở nhóm nhà đầu tư mới tham gia thị trường, chưa có kinh nghiệm xử lý mỗi khi thị trường lao dốc. Song, giới đầu tư nắm giữ tài sản lớn vẫn đang chờ chực tín hiệu đổi chiều. Do vậy, chỉ số thường xuất hiện những cú nhảy hồi vào thời điểm thị trường chiết khấu mạnh.

Một lời khuyên cho các nhà đầu tư là không nên bán tháo cổ phiếu nữa. Việc bán tháo cổ phiếu ở vùng giá này chỉ có lỗ, thậm chí lỗ nặng. Nếu danh mục của nhà đầu tư đều là cổ phiếu tốt, DN có kết quả kinh doanh thuận lợi, quản trị chặt chẽ và nhiều tiềm năng thì nên tiếp tục nắm giữ là bình tĩnh. Đối với những cổ phiếu xấu thì nhà đầu tư có thể cân nhắc tái cơ cấu danh mục.

Riêng đối với những nhà đầu tư ngắn có ý định vào bắt đáy thì nên cân nhắc chọn kênh đầu tư an toàn khác. Thời điểm hiện tại chưa thể xác định chắc chắn điểm đáy, cộng với chính sách tiền tệ thắt chặt, an toàn nên đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho nhà đầu tư trung và dài hạn mua theo trường phái tích lũy, bởi mức giá hiện đang rất hấp dẫn.

Nhìn ở góc độ dài hơi, theo ông, đâu là những nhóm ngành tiềm năng?

- Việc thị trường chứng khoán giảm sâu đã tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư lựa chọn nhóm cổ phiếu duy trì tiềm năng tăng trưởng dài hạn với định giá hấp dẫn. Theo quan điểm của tôi, trong ngắn hạn, những nhóm ngành duy trì được sự ổn định, ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý III và 9 tháng năm 2022, đồng thời đã có mức chiết khấu giá đủ sâu sẽ là điểm đến của dòng tiền trong giai đoạn sắp tới như: Công nghệ, hóa chất, thực phẩm, ngân hàng…

Trong dài hạn, với việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, nhóm cổ phiếu xây dựng, hạ tầng có thể sẽ là nhóm hưởng lợi chính, ngoài ra các DN có khả năng hút FDI nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng như nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Thêm vào đó, các cổ phiếu ngân hàng với tiềm năng tăng trưởng về lợi nhuận khoảng 20%/năm vẫn luôn là một nhóm ngành đáng để chú ý và quan sát trong giai đoạn hiện tại.

Xin cảm ơn ông!