Ngoài ông Liêm, còn có 3 bị cáo nguyên là cựu lãnh đạo của Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, gồm: Trần Nguyên Vũ - cựu Tổng Giám đốc; Lý Thanh Châu - cựu thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc và Đỗ Thị Thanh Thúy - cựu Kế toán trưởng.
Trong đơn kháng cáo, 4 bị cáo đều đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại bối cảnh, mức độ thực hiện và hậu quả hành vi phạm tội của từng bị cáo, từ đó cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, như: Lần đầu phạm tội, có nhiều thành tích trong công tác, không có động cơ vụ lợi, khai báo thành khẩn…
Cuối tháng 8/2022, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và ông Trần Thanh Liêm cùng mức án 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cùng tội trên, các bị cáo Trần Nguyên Vũ bị tuyên án 12 năm tù; Lý Thanh Châu bị tuyên án 4 năm 6 tháng tù, còn Đỗ Thị Thanh Thúy bị tuyên án 30 tháng tù. Ngoài ra, ông Vũ bị tuyên án thêm 11 năm tù về tội "Tham ô tài sản".
Riêng ông Nguyễn Văn Minh - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương bị tuyên án 27 năm tù cho hai tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
22 bị cáo còn lại là cựu cán bộ các cơ quan Nhà nước thuộc tỉnh Bình Dương, các đơn vị tư nhân và cá nhân, bị tuyên những mức án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 23 năm tù.
HĐXX cấp sơ thẩm nhận định, bị cáo Trần Thanh Liêm với chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Dù biết rõ việc chuyển nhượng là trái quy định nhưng bị cáo Liêm không có quyết định ngăn chặn, mà vẫn tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Minh thực hiện một loạt hành vi sai phạm.