Đánh thức di sản Hà Nội

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sở hữu hàng nghìn di sản nhưng hầu hết chưa phát huy được thế mạnh để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Thời gian gần đây nhiều khu di tích đã quan tâm ra mắt đến phát triển tour trải nghiệm văn hóa để giữ chân du khách nước ngoài lưu trú lâu hơn ở Hà Nội và cũng để người dân tham gia thấu hiểu các câu chuyện di sản văn hóa. Tuy nhiên, cách thức thực hiện vẫn còn nhiều thiếu định hướng, đặc biệt là các sản phẩm độc đáo.

Bài 1: Khai thác thế mạnh từ di sản

Những điểm đến du lịch văn hóa trọng điểm của Thủ đô như Khu di tích Phủ Chủ tịch; Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Hương… đã từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tour du lịch văn hóa di sản. Cùng với đó là những di sản kiến trúc, lối sống, lễ hội, văn hóa ẩm thực… độc đáo, hấp dẫn du khách bốn phương.

Sản phẩm du lịch di sản thịnh hành

Khu di tích nhà tù Hỏa Lò, di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã sáng đèn về ban đêm. Sắp tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và rất nhiều di tích khác đang hướng đến việc mở cửa vào ban đêm cùng những hoạt động văn hóa, hoạt động trải nghiệm hấp dẫn. Việc thực hiện mở cửa di tích vào ban đêm không phải nói là có thể làm được ngay.

Khu phố cổ Hà Nội là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Phạm Hùng
Khu phố cổ Hà Nội là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Phạm Hùng

Còn nhớ, trước năm 2020, sau 5 giờ chiều, di tích của Hà Nội đóng cửa “ngủ đêm”. Phải mãi đến tháng 6/2020, “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” do Công ty Lữ hành Hanoitourist và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp thực hiện đã vẽ màu đêm cho di tích. Đây là sản phẩm du lịch về đêm đầu tiên ở di tích tại Hà Nội.

Chỉ với 45 phút, du khách được dẫn dắt vào từng câu chuyện và được gặp gỡ với các bậc lão thành cách mạng, các chiến sĩ cách mạng từng bị bắt giam… là một trải nghiệm vô cùng ấn tượng.

Qua hơn 2 tháng tổ chức “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”, Ban Quản lý Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã đón 520 lượt khách, trong đó có 15 lượt khách quốc tế. Với các du khách lần đầu tiên tham gia trải nghiệm đêm thiêng liêng, sáng ngời tinh thần Việt, họ đã có những cảm xúc vô cùng đặc biệt, điều mà những chuyến tham quan ban ngày không có được.

"Cảm giác vừa xúc động, thiêng liêng và tự hào về lịch sử mà cha ông mình đã để lại. Cái điều mà mình ấn tượng đó là về phần âm thanh và ánh sáng. Mình chưa thấy trong bảo tàng lịch sử nào mà có phần âm thanh, ánh sáng có thể sống động và ly kỳ như ngày hôm nay” - chị Nguyễn Tú Linh (Đống Đa, Hà Nội) nói.

Tour đêm được tổ chức thành công tại Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò khiến các di tích khác như Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mở tour đêm. Tour đêm tại Hoàng thành là sự trải nghiệm không gian, các hoạt động trong cung đình xưa và những cổ vật hằng nghìn năm tuổi. Hiện nay, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang nghiên cứu, hứa hẹn ra mắt sản phẩm tour đêm độc đáo, sử dụng công nghệ mapping để kể chuyện đạo học ở Việt Nam.

 

Hiện nay, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong toàn bộ hành trình. Tuy nhiên các sản phẩm du lịch - dịch vụ kinh tế đêm hiện tập trung ở nhóm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, còn các yếu tố văn hóa - nghệ thuật là điểm giữ chân và mang du khách trở lại vẫn chưa được khai thác đúng mức.
Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel

 

Không chỉ có các di tích do Hà Nội sở hữu đẩy mạnh các sản phẩm, tour du lịch trải nghiệm; mà nhiều di tích do Bộ VHTT&DL quản lý cũng đã đầu tư nhiều chương trình hấp dẫn như Bảo tàng Lịch sử quốc gia với tour thanh âm đồng cổ, Nhà hát Lớn Hà Nội với tour tham quan, trải nghiệm nghệ thuật… Tuy nhiên, phần lớn các chương trình này vẫn mang tính đơn lẻ, chưa có sự kết nối giữa các di tích để tạo thành hệ thống.

Lập trình tour lữ hành tham quan di sản

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, hệ thống làng nghề và các di sản của Thủ đô cũng rất phong phú, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng phát triển, nhất là việc liên kết để tạo thành sản phẩm độc đáo

. Còn bà Phạm Thị Thanh Mai, Bí thư Thị ủy Sơn Tây, cho rằng, vẫn thiếu liên kết giữa các di sản, di tích, thiết chế văn hóa trên địa bàn như Làng cổ Đường Lâm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam... để tạo thành một chuỗi các sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch.

Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ, ngành Du lịch Thủ đô sẽ nghiên cứu, quy hoạch, lập trình, thiết kế những tour lữ hành tham quan các di sản văn hóa là mục tiêu hướng đến của du lịch văn hóa, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia từ du lịch văn hóa.

Du lịch văn hóa là loại hình quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển bền vững; là một trong những dòng sản phẩm thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam, cũng như Thủ đô

Hà Nội. Trong những năm vừa qua, ngành Du lịch Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu tích cực, từng bước khẳng định vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn. Giai đoạn 2016 - 2019, TP tăng trưởng khách bình quân đạt 10,1%/năm, tốc độ tăng năm sau cao hơn năm trước, năm 2019 Hà Nội đón 28,945 triệu lượt khách bằng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, trong đó đón 7,025 triệu lượt khách quốc tế.

Năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% lượng khách năm 2019 (trước thời điểm xảy ra dịch bệnh).

Con số này chắc chắn được cải thiện để tiến đến việc bằng mốc doanh thu năm 2019 hoặc cao hơn, Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các tỉnh phía Bắc và cả nước. Hà Nội luôn trong danh sách bình chọn của Tổ chức du lịch Thế giới cho các điểm đến hàng đầu của châu Á và thế giới.
(Còn nữa)