Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dâu đảm...

Ái Châu
Chia sẻ Zalo

kinhthedothi - Ngày Minh được Thịnh dẫn về ra mắt gia đình, ông bà Lân không ưng ý cho lắm, nhưng là con trai duy nhất trong nhà và cũng đã bước sang ngưỡng tuổi “ế” nên nói như cách của ông Lân là “có gái theo về là tốt rồi”.

 Nhưng mấy bà cô bên chồng phản đối dữ dội. Họ cho rằng Minh là gái phố, cả đời quen ăn trắng mặc trơn, sao “trụ” được với hoàn cảnh ở quê, quanh năm chân lấm tay bùn.

Thói đời, trời không nghe đất thì ắt đất phải nghe trời, vả lại nhu cầu có con dâu, có cháu nội của ông bà Lân đã cao chót vót, vậy nên họ tắc lưỡi cho đôi trẻ nên vợ nên chồng.

Ngày cưới Thịnh, dù không ưng ý nhưng mấy bà cô vẫn phải đại diện họ nhà trai đi xin dâu. Khi biết Minh là con gái rượu của một gia đình giàu có ngoài phố, mấy bà cô lại nói số Thịnh là chuột sa chĩnh gạo. Họ hy vọng cháu trai mình nhờ vả được bên vợ cho đỡ vất vả chứ gia đình nhà trai nghèo lắm...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Ngày cưới, dù khó khăn, nhưng gia đình nhà trai vẫn có quà cho đôi trẻ, người thì chỉ vàng, người triệu bạc; nhưng phía nhà gái tịnh không thấy quà cáp gì, nên nhiều người xì xào đại loại “gái thành phố mà khi cưới bố mẹ không cho nổi cái kiềng…”.

Tuy nhiên Thịnh và Minh không lấy làm phiền lòng; miệng lưỡi thế gian - thây kệ.

Trở về sau tuần trăng mật, Minh nghén và chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước cùng mẹ chồng. Còn Thịnh ngày hai buổi sáng đi - chiều về, anh làm gì trong phố không mấy người biết.

Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi đi, chẳng mấy chốc Minh về làm dâu nhà ông Lân đã 6 năm và sinh cho ông bà 3 đứa cháu 2 trai - 1 gái rất kháu khỉnh.

Về làm dâu nhà Thịnh 6 năm, người ta chỉ thấy Minh quanh quẩn ở nhà và sinh đẻ; nhiều “thuyết âm mưu” cho rằng, cô chỉ được cái mác là gái phố, bởi khi về nhà chồng chỉ có mỗi mấy bộ quần áo…

Nghe vậy nhưng Minh cũng chỉ bỏ ngoài tai, vì cô đã có kế hoạch riêng của mình. Khi đứa con lớn vào lớp 1, 2 đứa nhỏ cũng đủ cứng cáp để đến lớp mầm non, cô bàn với gia đình nhà chồng mở xưởng cơ khí…

Cũng cần nói thêm, Minh là con nhà nòi về kinh doanh; bố mẹ cô là chủ sở hữu một nửa số cửa hàng kinh doanh sắt và các sản phẩm thủ công từ sắt ở một con phố trong nội đô.

Cưới nhau xong, Minh đã xin bố mẹ mình cho Thịnh ra học nghề và “tập” làm ông chủ. Lúc này tay nghề của chồng cô đã cứng, cộng với khiếu kinh doanh và kinh nghiệm quản lý học được từ bố mẹ đẻ, chỉ một thời gian sau, xưởng cơ khí của gia đình cô đã có tiếng trong vùng.

Ngoài các sản phẩm từ sắt, cô bàn với chồng mở rộng ra mảng tấm lợp, trần, tấm ốp…

Sau 10 năm, vợ chồng Minh đã có một cơ ngơi hoành tráng với đội ngũ công nhân lên đến mấy chục người. Lúc này đất ven đô còn khá rẻ, sẵn vốn - Minh bàn với chồng hễ nhà ai bán giá hợp lý là cô gom.

Khi mấy dự án giao thông đi qua làng; những mảnh đất xó xỉnh người ta bán rẻ cho Minh ngày nào, giờ trở nên có giá vì nó bám sát mặt đường liên huyện…

Từ chỗ chỉ theo chồng với mấy bộ quần áo; giờ vợ chồng Minh có gia sản nhiều tỷ trong tay, từ đây cả gia đình bên chồng cùng hàng xóm mới thực sự nể cô gái phố chân yếu tay mềm, nhưng nhanh nhạy hơn người. Lúc này Minh mới bàn với bố mẹ chồng phá nhà cũ, xây hẳn ngôi biệt thự mấy trăm mét vuông với đủ tiện ích. Ngoài ra, vợ chồng cô còn mua gỗ, thuê thợ mộc dựng thêm một ngôi nhà thờ to nhất xã…

Không những “làm đẹp mặt nhà chồng”, Minh còn là người có tấm lòng thơm thảo khi cô thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Ngày trước mấy bà cô bên chồng còn cho rằng số Thịnh “chuột sa chĩnh gạo” khi lấy được Minh là con gái nhà giàu. Nhưng bằng sự nhạy bén, khôn khéo trong tính toán, Minh đã giúp Thịnh gây nên cơ ngơi như hiện tại mà không làm chồng mang tiếng là nhờ “lộc” đàng vợ!

Đến nay chẳng ai trong làng, ngoài họ còn hé răng nói cô gái phố hôm nào chỉ quen ăn trắng mặc trơn. Giờ đây Minh là đứa con dâu hiếu thảo, trong làng, ngoài xã ai cũng khen gia đình chồng cô tốt phúc...