Để kinh tế đêm công bằng với mọi người dân

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian ban đêm thực sự chiếm một phần quan trọng trong sản lượng kinh tế của nhiều thành phố. Nhưng các sáng kiến kinh tế đêm được cho cần phải nhìn xa hơn những quán bar, câu lạc bộ hay đồ ăn khuya…, mà tập trung vào nhiều loại dịch vụ và tiện ích khác.

Thêm nhiều “thành phố 24 giờ”

Mặc dù New York (Mỹ) thường được mệnh danh là “thành phố không bao giờ ngủ”, nhưng trên thực tế, thành phố (TP) này vẫn sẽ có một giấc ngủ ngắn lúc 4 giờ sáng, theo quy định bắt buộc của bang New York. Do đó, Berlin (Đức) hoặc Tokyo (Nhật Bản) có thể giành lấy danh hiệu này, bởi tại cả hai thủ đô này, các quán bar được phép phục vụ rượu một cách hợp pháp 24 giờ mỗi ngày.

Montreal (Canada) có thể sẽ là cái tên mới thêm vào danh sách những TP không ngủ này. TP, nơi mà các quán bar và câu lạc bộ hiện phải đóng cửa lúc 3 giờ sáng, đang có kế hoạch giới thiệu một khu vực mở 24 giờ mới ở ngay trung tâm, như một phần trong nỗ lực đầu tư vào cuộc sống về đêm tại đây.

Thời gian ban đêm thực sự chiếm một phần quan trọng trong sản lượng kinh tế của nhiều TP. Tại Berlin, các câu lạc bộ âm nhạc điện tử về đêm đã thu hút hơn 3 triệu người mỗi năm - theo báo cáo năm 2019 của Clubcommission Berlin. Một phân tích của New York từ năm 2019 cho thấy, cuộc sống về đêm tạo ra 35,1 tỷ USD cho TP hằng năm, với 299.000 việc làm và 13,1 tỷ USD tiền lương.

Thành phố Montreal về đêm. Ảnh: Bloomberg
Thành phố Montreal về đêm. Ảnh: Bloomberg

Các chính sách để giữ cho các TP mở cửa suốt ngày đêm đã bắt đầu phát triển kể từ khi Amsterdam (Hà Lan) bắt đầu cấp giấy phép hoạt động 24 giờ mỗi ngày vào năm 2013. Ý tưởng phát triển nền kinh tế ban đêm đã lan rộng đến khoảng 100 TP trên thế giới, trong đó nhiều nơi đã có chức danh “thị trưởng ban đêm”, bao gồm London (Anh) hay Zurich (Thụy Sĩ).

Các vị trí “thị trưởng ban đêm” được cho là nhằm mục đích mang lại sự quan tâm tương tự cho những đóng góp kinh tế vào ban đêm mà các nhà hoạch định chính sách đã nhận được vào ban ngày. Điều đó dần sẽ bao gồm nỗ lực mở rộng nền kinh tế cuộc sống về đêm, bằng cách tạo ra nhiều tiện nghi hơn trong suốt 24 giờ.

Đối với Amsterdam, việc bắt đầu kéo dài thời gian hoạt động của TP đồng nghĩa với việc chỉ định giấy phép 24 giờ cho các không gian đa chức năng bên ngoài trung tâm TP. Một trong những cơ sở như vậy là A'DAM Toren - một tòa tháp 22 tầng hoàn chỉnh với các văn phòng, quán cà phê, nhà hàng và câu lạc bộ dưới lòng đất ở khu phức hợp Overhoeks.

Mirik Milan, cựu thị trưởng ban đêm của Amsterdam, người sau đó đã đồng sáng lập công ty tư vấn văn hóa ban đêm VibeLab, cho biết: “Các địa điểm mở cửa 24 giờ của Amsterdam nằm ở những nơi thường khó được phục vụ khi nói đến cuộc sống về đêm hay việc thu hút khách. Nhiều không gian trong số này đã cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người sống xung quanh nó vì chúng có những tiện nghi có thể sử dụng trong cả ngày”.

Và trong khi sự chú trọng thường tập trung vào các quán bar hay câu lạc bộ, những người ủng hộ nền kinh tế đêm nói rằng các chính sách này sẽ không chỉ dừng lại ở việc bán đồ uống có cồn.

“Nếu bạn muốn tạo ra sự sống động về văn hóa trong một TP, thì vấn đề không chỉ là uống rượu” - Lutz Leichsenring, người đồng sáng lập VibeLab với Mirik Milan, nói - “Bạn cần có một không gian sáng tạo vừa có giá cả phải chăng, vừa dễ tiếp cận. Ví dụ, phương tiện giao thông công cộng cần phải dễ tiếp cận đối với những người sống bên ngoài TP. Xe buýt không thể ngừng chạy lúc nửa đêm”.

Định nghĩa ngành công nghiệp giải trí về đêm hiện sẽ bao gồm các lĩnh vực ẩm thực, đồ uống và giải trí của TP trong khoảng thời gian từ 6 giờ chiều hôm nay đến 6 giờ sáng hôm sau, và các yếu tố gây ra tác động dây chuyền đến nền kinh tế của những công việc và nhóm khách hàng quen này.

“Chính sách 24 giờ chỉ đơn giản là sự thừa nhận rằng TP và các hoạt động kinh tế của nó không bao giờ dừng lại, bất kể ngày hay đêm” - Michele Acuto, giám đốc Trung tâm TP Melbourne tại Đại học Melbourne (Australia), nói với Bloomberg.

Để thành phố công bằng hơn

Ngoài việc củng cố kinh tế, việc phát triển các ngành công nghiệp giải trí về đêm có thể mang lại những tác động tích cực khác cho xã hội. Ở New South Wales (Australia), người dân cho biết họ cảm thấy an toàn hơn trên phương tiện giao thông công cộng và trong các khu vực lân cận của họ sau nỗ lực của Chính phủ nhằm thay đổi tình trạng tiệc tùng nổi tiếng ở Sydney.

Một số sáng kiến của chính quyền Australia bao gồm các chương trình cải thiện sự an toàn khi trời tối và cung cấp đại sứ “Take Kare” tại các khu vực có cuộc sống về đêm nổi tiếng để hỗ trợ những người trẻ đi chơi muộn.

Ông Leichsenring nói: “Điều mà cảnh sát hoặc những nhà hoạch định chính sách của TP có thể không hiểu là sự sôi động trong TP sẽ tạo ra sự an toàn cho người dân”.

Tuy nhiên, việc kéo dài cuộc sống về đêm không phải là không có những khó khăn. Amsterdam từ lâu đã phải đối mặt với vấn đề khách du lịch ồn ào ở khu đèn đỏ trứ danh của TP này. Thậm chí gần đây, đã có đề xuất về một kế hoạch gây tranh cãi nhằm chuyển hoạt động mại dâm hợp pháp sang một trung tâm khiêu dâm bên ngoài TP.

Ông Milan bình luận: “Danh tiếng của Amsterdam là thứ đã được xây dựng qua hàng trăm năm và nó sẽ là bất biến. Nhưng TP phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân được giữ nguyên khi cuộc sống về đêm mở rộng hơn”.

Nhìn chung, phần lớn công việc của các sáng kiến giải trí về đêm ở TP phải tập trung giải quyết vấn đề dung hòa giữa những người tiệc tùng và những người đi ngủ. Năm 2018, Chính phủ Berlin đã cam kết đầu tư 1 triệu euro cho các dự án cách âm sau khi tranh chấp tiếng ồn với người dân buộc nhiều câu lạc bộ đêm phải đóng cửa. Theo ông Leichsenring, cho đến nay, hơn 40 câu lạc bộ đã nhận được tài trợ và sẽ tiếp tục nhận được tài trợ trong thời gian sắp tới.

Là một phần trong nỗ lực phát triển cuộc sống về đêm, Montréal gần đây cũng đã công bố chương trình tài trợ cho các địa điểm biểu diễn thay thế có ít hơn 400 chỗ ngồi, cho phép họ nhận được tới 100.000 USD để đầu tư cách âm. Một phần mục tiêu của sáng kiến cuộc sống về đêm là đơn giản hóa quy trình cho các DN muốn mở cửa 24 giờ.

Nhiều người ủng hộ TP 24 giờ cho rằng các sáng kiến kinh tế ban đêm cần phải nhìn xa hơn những quán bar, câu lạc bộ và đồ ăn khuya…, mà tập trung vào các loại dịch vụ và tiện nghi khác.

Mathieu Grondin, đồng sáng lập MTL 24/24 - một nhóm phi lợi nhuận nhằm mục đích cung cấp khuôn khổ cho cuộc sống về đêm ở Montreal - cho biết: “Nếu bạn làm việc ca đêm, bạn phải trả số thuế như mọi người, nhưng thường ít được tiếp cận các dịch vụ hơn. Bạn không thể mua thức ăn hoặc đến thư viện công cộng. Bằng cách mở rộng dịch vụ lên 24 giờ, chúng ta đang tạo ra một TP công bằng và hòa nhập hơn”.