Giảm lãi suất cho vay, tiếp sức doanh nghiệp

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường lãi suất đang phát đi những tín hiệu khá tích cực khi một số ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay với quy mô lớn.

Tính đến chiều 14/12, có khoảng 30 ngân hàng đã đăng ký giảm lãi suất cho vay hỗ trợ lãi suất cho DN và người dân, với mức giảm từ 0,3 - 2%/năm. Đây là những nỗ lực rất lớn của các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Xuất hiện lãi vay ngược chiều ở nhiều ngân hàng

Để hỗ trợ nền kinh tế, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm 2022. Phó Tổng Giám đốc phụ trách Điều hành Ngân hàng VietinBank Nguyễn Hoàng Dũng cho biết, từ nay đến Tết nguyên đán, VietinBank dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng với dư nợ bằng VNĐ đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Doanh nghiệp rất cần nguồn vốn vay để tái sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Doanh nghiệp rất cần nguồn vốn vay để tái sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (chi nhánh Hậu Giang) cho hay, đơn vị tập trung vào cho vay trồng lúa, cây ăn quả; chế biến xuất khẩu; thức ăn chăn nuôi… lãi suất cho vay hiện giảm 0,5 - 1% so với các lĩnh vực khác.

Trong thông cáo phát đi của SHB cho thấy, đơn vị này đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5 - 2%/năm cho các khách hàng cá nhân và DN. Theo đó, SHB ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa, dự án xanh…

Tương tự, VIB áp dụng chương trình giảm lãi suất đến 1,5% cho khách hàng trong thời gian từ 10/10/2022 - 30/6/2023 cho cả khách hàng cá nhân và DN nhỏ vay kinh doanh tại VIB. Hay tại MB, ngân hàng này cũng có những gói ưu đãi riêng, giảm từ 0,5 - 1%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, xuất nhập khẩu... Trước đó, các ngân hàng đã thông tin sẽ giảm lãi suất cho vay gồm Agribank, Vietcombank, HDBank và ACB.

Trong làn sóng hạ lãi suất có sự tham gia của cả ngân hàng ngoại. Shinhan Việt Nam triển khai giảm lãi suất cả VNĐ lẫn USD với DN đang có khoản vay tại ngân hàng này để hỗ trợ khách hàng bổ sung vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh thời điểm cuối năm. Đối với gói vay VND, được giảm từ 0,9 đến 1,3 điểm phần trăm, tùy vào thời hạn vay. Đối với khoản vay bằng ngoại tệ, Shinhan giảm 0,6% lãi suất cho kỳ hạn từ 1 - 6 tháng. Chính sách giảm lãi suất được áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn (vay vốn lưu động).

Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), tính đến chiều 14/12, có khoảng 30 ngân hàng đã đăng ký giảm lãi suất cho vay hỗ trợ lãi suất cho DN và người dân, với mức giảm từ 0,3 - 2%/năm vào thời điểm cuối năm.

Nỗ lực lớn của ngân hàng

Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng cao, việc giảm lãi suất cho vay từng được giới chuyên gia đánh giá là khó khả thi. Nhưng đến nay, đã có nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng dịp cuối năm. Một số ngân hàng cho biết quyết định giảm lãi suất đầu ra dù chi phí đầu vào tăng mạnh khi lãi suất huy động các kỳ hạn 2, 4 và 9 tháng đã tăng khoảng 1 điểm phần trăm.

Nhân viên PVBank hiệu chỉnh bảng giá lãi suất cho vay. Ảnh: Phạm Hùng.
Nhân viên PVBank hiệu chỉnh bảng giá lãi suất cho vay. Ảnh: Phạm Hùng.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Kang GewWon lý giải, cuối năm là thời gian cao điểm nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh. Ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng room tín dụng, Shinhan đã chủ động triển khai chương trình ưu đãi cho vay đối với khách hàng DN nhằm hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp, tối ưu hóa chi phí dịp cuối năm.

Tại Agribank, những khoản vay mới trong tháng 12/2022 cũng được giảm tối đa đến 20% trên mức lãi suất đang vay, tập trung chủ yếu cho nhóm DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31 và nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất.

Đại diện MB cho biết: Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp ngân hàng tiết giảm chi phí, thu hút được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn, có lãi suất thấp, có điều kiện giảm lãi vay. "Dòng tiền gửi không kỳ hạn tăng lên để lại ngân hàng tăng lên, giảm được chi phí huy động chung, từ đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay và khi chuyển đổi số thì chi phí vận hành cũng giảm đáng kể, từ đó tiết kiệm được chi phí hoạt động khác" - ông Phạm Như Ánh - thành viên Ban Điều hành MB cho biết.

Sau khi NHNN nới room tín dụng và "mở hầu bao" các gói vốn kỳ hạn dài trên OMO, nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay.

Nếu không hỗ trợ vốn ngay lúc này thì sẽ gây tác động xấu đến nền kinh tế trong các quý sau, bởi DN lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí phá sản vì không xoay được dòng vốn.

“Đây là định hướng đúng đắn từ Chính phủ, NHNN do cuối năm là thời điểm giới DN sản xuất đang “khát” vốn để thanh toán công nợ, trả lương thưởng cho nhân viên, nhập nguyên vật liệu chuẩn bị hàng Tết và nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023” - TS Đào Lê Trang Anh - giảng viên chuyên ngành Tài chính, Khoa Kinh doanh và quản trị (Đại học RMIT Việt Nam) nhận định.

“NHNN lập tức phát tín hiệu bơm thanh khoản sau khi nới room tín dụng để đảm bảo các ngân hàng có đủ nguồn vốn, các tỷ lệ khác an toàn. Với động thái này, độ trễ của chính sách tiền tệ là khá thấp, việc nới room tín dụng sẽ đạt được hiệu quả đáng kể trong bối cảnh DN đang rất khát vốn” - TS. Đào Lê Trang Anh phân tích.

Với chủ trương NHNN, ngân hàng nào giảm lãi suất cho vay sẽ được cân nhắc việc phân bổ thêm room tăng trưởng tín dụng. Vì thế, các nhà băng đã vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay, dù chi phí đầu vào tăng mạnh. Giới phân tích kỳ vọng đây sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới...

Ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh

Một số DN cho rằng, việc nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay là tín hiệu tích cực, đặc biệt sau khi NHNN nới room tín dụng. Việc các ngân hàng có thêm room để cho vay, lãi suất lại giảm, sẽ góp phần giảm chi phí tài chính cho DN. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cần công bố mức lãi suất cho vay hiện hành và mức lãi suất sau khi giảm để thấy rõ sự thực chất.

"Khi các NHTM công bố giảm lãi suất, quan trọng là sau giảm thì mức lãi suất thực tế còn lại bao nhiêu, DN có tiếp cận được không? DN tôi hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nhưng là nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp nên cũng được hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất thương mại. Đây là lĩnh vực rất cần được quan tâm phát triển để thúc đẩy thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng lệch pha cung cầu giữa sản phẩm cao cấp và sản phẩm bình dân" - Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ, Chính phủ có chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho một số đối tượng DN nhưng du lịch lại không được đưa vào diện ưu đãi. Tương tự, ngành hàng không cũng đang thiếu vốn trầm trọng nhưng chính sách thiết kế cho 2 ngành này gần như không có.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này đã đạt 12,2% so với cuối năm 2021. Hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) nếu tính theo mức phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% hồi đầu năm thì vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm theo quyết định hôm 5/12 của NHNN thì còn khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian cuối năm.

"NHNN sẽ tiếp tục theo dõi việc hướng dòng tiền sử dụng room tín dụng này và sẵn sàng tạo điều kiện các nguồn lực vốn dài hạn cho các NHTM, để có điều kiện có nguồn cung ứng vốn một cách ổn định, đảm bảo nhu cầu dự án rất cần thiết như hiện nay" - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cho hay, sẽ khó có chuyện các ngân hàng được cấp room tín dụng lại “tuồn vốn” cho vay bất động sản, bởi tín dụng ngân hàng đang chịu sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Theo ông Hùng, trong bối cảnh hiện nay không phải ngân hàng, mà bản thân DN cũng hết sức cân nhắc khi vay vốn, bởi tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái, đơn hàng lao dốc.

“Các DN lúc này nên rà soát, cơ cấu lại danh mục kinh doanh, co gọn danh mục, duy trì sản xuất ổn định, thay vì mở rộng đầu tư để tránh rủi ro. Bản thân các ngân hàng cũng phải rất thận trọng khi mở rộng tín dụng, phải căn cứ vào nguồn vốn, chất lượng tín dụng, nợ xấu… của mình để bảo đảm an toàn của chính mình và của cả hệ thống” - ông Hùng phân tích.

 

"Trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay DN, người dân cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt. Bên cạnh đó, cần trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đẩy mạnh truyền thông để dư luận hiểu và chia sẻ hoạt động kinh doanh ngân hàng." - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng

"Điều chỉnh giảm trên hệ thống kế toán của ngân hàng, khách hàng không cần đến ngân hàng để làm thủ tục. Chúng tôi đã dành nguồn lực từ việc tiết giảm chi phí; đồng thời giảm một phần lợi nhuận kinh doanh của năm 2022 để đồng hành cùng khách hàng. Riêng đợt này, dự kiến có 1.000 tỷ đồng được trích từ lợi nhuận của ngân hàng để hỗ trợ cho khách hàng." - Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần