Tuy nhiên, việc giá USD điều chỉnh đi lên vẫn là động thái quan trọng được các nhà điều hành và DN hết sức quan tâm.
Báo cáo cập nhật về thị trường tiền tệ do MBS Research vừa ban hành cho thấy, từ đầu tháng 4, chỉ số đồng USD (DXY) bắt đầu tăng lên trên ngưỡng 105 điểm, có lúc đạt mức 106,3 điểm, cao nhất kể từ tháng 11/2023, tương đương mức tăng 3% kể từ đầu năm.
Trong nước, tỷ giá VND/USD đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn giữa tháng 4/2024. Theo tính toán, từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 4,4%.
Nguyên nhân của việc đồng USD tăng mạnh tương quan với các dữ liệu được công bố của Mỹ cho thấy, lạm phát tháng 3 quay về mức 3,5%, cao hơn 0,4% so với tháng trước và cao hơn dự báo của thị trường.
Áp lực lạm phát xuất hiện trong bối cảnh một số nguyên liệu như dầu thô, ngũ cốc, cà phê… tăng trở lại cũng làm giảm kỳ vọng về việc giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Tuy nhiên, tỷ giá trong nước đã dần ổn định sau hàng loạt các biện pháp cân bằng áp lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cụ thể, từ ngày 11/3, NHNN bắt đầu phát hành tín phiếu để hút thanh khoản nhằm ổn định đồng VND. Ngày 19/4, 6 tuần sau khi phát hành tín phiếu, cơ quan này tiến thêm một bước bằng cách thông báo bán dự trữ ngoại hối và thực tế đã bán trong tuần cuối tháng 4. Nhờ có thêm bước này, đà tăng của tỷ giá đã được ghìm cương trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Trong tháng 4, NHNN cũng đã thực hiện hàng loạt các biện pháp bao gồm: đấu thầu vàng miếng nhằm thu hẹp chênh lệch giá bán trong nước và thế giới, đẩy lãi suất liên ngân hàng nhằm hạn chế các hoạt động carrytrade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ), đồng thời bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm.
Các động thái này phần nào giải tỏa tâm lý thị trường cũng như nhu cầu USD giảm nhẹ theo mùa vụ đã giúp tỷ giá ổn định trong tuần cuối của tháng 4.
Theo báo cáo vĩ mô tiền tệ được thực hiện bởi WiResearch, tính đến ngày 3/5, NHNN đã bán khoảng 500 - 700 triệu USD. Các chuyên gia công ty này đánh giá, tỷ giá tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý II/2024.
Nguyên nhân giúp giảm áp lực tỷ giá là do: Fed chưa xác định thời điểm cắt lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024, nhưng đã giảm nhịp độ thắt chặt định lượng (được xem là động thái nới lỏng nhẹ).
Cùng với đó, nguồn thu ngoại tệ từ FDI dự kiến tăng cao, đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 02/2021/TT-NHNN, hướng tới tỷ giá VND/USD trong giao dịch kỳ hạn…
Giới phân tích nhận định, tỷ giá vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng. Cụ thể, lạm phát tháng 3 tại Mỹ tăng vượt dự báo đã làm thị trường lo ngại về kịch bản Fed sẽ duy trì lãi suất điều hành lâu hơn nữa. Hiện tại, nhiều dự báo, đợt cắt giảm lãi suất điều hành sớm nhất của Fed sẽ dời sang quý III thay vì kỳ vọng trước đó là vào tháng 6.
Đồng thời, thị trường cũng giảm kỳ vọng số đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Fed trong năm 2024 về 1 - 2 lần thay vì kỳ vọng 3 lần trước đó. Ngoài ra, giá vàng quốc tế lẫn trong nước vẫn duy trì đà tăng cũng làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá.
Ở kịch bản tích cực, diễn biến tỷ giá sẽ vẫn có những yếu tố hỗ trợ. Theo đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo kiểm soát để bình ổn thị trường vàng. Các yếu tố vĩ mô tích cực sẽ hỗ trợ như thặng dư thương mại tích cực, khi lũy kế 4 tháng năm 2024 đạt 8,4 tỷ USD (gấp 2 lần so với cùng kỳ), dự trữ ngoại hối vẫn đang ở mức tốt và dự kiến đạt 110 tỷ USD trong năm 2024.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI thực hiện 4 tháng ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ và du lịch phục hồi mạnh mẽ khi 4 tháng 2024 tăng 68,3% so với cùng kỳ và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.