Bắt đầu triển khai từ năm 2019, Chương trình OCOP của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Với khoảng 1.500 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, cho đến nay Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế lá cờ đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP.
Không chỉ phát triển ấn tượng về mặt số lượng, sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng được đánh giá là rất đa dạng, trong khi chất lượng cũng được kiểm soát hết sức gắt gao. Trong số 6 nhóm sản phẩm OCOP theo phân loại tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển Chương trình OCOP, Hà Nội hiện có sản phẩm ở 5/6 nhóm. Trong số này, nhóm thực phẩm (bao gồm cả sản phẩm chế biến) chiếm đa số.
Ngoài ra, Hà Nội còn phát triển được sản phẩm thuộc nhóm hàng lưu niệm, nội thất, trang trí; vải, may mặc; đồ uống; thảo dược. Nhóm sản phẩm duy nhất còn lại Hà Nội chưa có là du lịch cũng được Hà Nội hết sức quan tâm, chỉ đạo rà soát, đầu tư phát triển ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, cùng với tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP về số lượng, TP sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tạo đầu ra cho sản phẩm. Theo đó trong năm 2022, Hà Nội dự kiến phát triển thêm tối thiểu 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
“TP Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu tổ chức từ 3 - 5 tuần lễ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng từ 3 sao trở lên tại Hà Nội và các tỉnh, TP trên cả nước…” - ông Nguyễn Văn Chí thông tin thêm.
Đại diện Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2022, TP sẽ triển khai xây dựng tối thiểu 1 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện, thị xã. Đồng thời, tổ chức đoàn công tác liên kết, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, vận hành điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các tỉnh, TP thực hiện tốt Chương trình OCOP...