Các sự kiện không chỉ diễn ra ở các khu trung tâm mà len lỏi vào từ ngõ phố, thôn làng… để ai ai cũng thấy nhịp sống sự kiện của mảnh đất Thành phố Sáng tạo trên nền tảng văn hiến, văn minh.
Thương hiệu của Hà Nội
Hà Nội là địa phương tổ chức nhiều lễ hội nhất trên cả nước (khoảng hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ). Cứ vào dịp Xuân đến, ở vùng đất thị thành ngày càng lan tỏa rộng rãi nhưng người dân vẫn nô nức cùng gắn kết với nhau qua từng lễ hội.
Không phải chỉ có lễ hội lớn thu hút người dân bốn phương và cả du khách quốc tế như: Lễ hội chùa Hương, Lễ hội đền Gióng Sóc Sơn, Lễ hội Gò Đống Đa… mà cả những lễ hội làng, lễ hội tại phường cũng trở thành bản sắc thu hút người dân.
Khi Long Biên (Hà Nội) lên quận, tên gọi thôn Ngọc Trì, xã Cự Linh cũng được đổi tên rất thành thị - phường Thạch Bàn. Những khu phố của phường Thạch Bàn không chỉ còn có cư dân bản địa, mà nhiều người dân từ tỉnh, thành cũng đã lựa chọn đến đây sinh sống.
Thế nhưng, cứ vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, khi lễ hội kéo co diễn ra ở đền Trấn Vũ diễn ra thì người dân trong phường sẵn sàng nô nức thức thâu đêm đến hội. 1 - 2 giờ sáng, tiếng người già, trẻ nhỏ í ới gọi nhau ra sân đình. Nghi lễ kéo co của lễ hội trở thành lý do kết nối người thành thị đến gần với nhau hơn.
Và cũng chẳng riêng gì lễ hội của phường Thạch Bàn, mà Lễ hội Cầu mây (quận Hoàng Mai), Lễ hội con đĩ đánh bồng (Thanh Trì), hay xa nữa là Lễ hội chùa Thầy (Quốc Oai), Lễ cấp sắc người Dao (Ba Vì)… đều trở thành những sự kiện dấu ấn với người dân Hà Nội.
Trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, TP đã và đang xây dựng, hướng tới tên gọi “Thành phố sự kiện” với đích đến là nơi thường xuyên tổ chức những sự kiện, lễ hội lớn của khu vực.
Thế nên, không chỉ có hơn 1.000 lễ hội có từ ngàn đời, từ nhiều năm nay, Hà Nội đã tổ chức thêm cả nghìn sự kiện cho thấy một nhịp sống hiện đại đang hòa trong truyền thống. Cả nghìn người dân Hà Nội và du khách từng háo hức với Lễ hội hoa Anh đào Hà Nội - Nhật Bản, hay Lễ hội Gió mùa, hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Concert… Hay những sự kiện rất mới của năm 2023: Lễ hội du lịch Hà Nội 2023; Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2023; Festival Thu Hà Nội; Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề; Lễ hội Áo dài Hà Nội 2023...
Các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng không đứng ngooài cuộc mà cùng tham góp tổ chức thành công nhiều sự kiện giao lưu, quảng bá văn hóa trên địa bàn TP. Hà Nội, như: Lễ hội văn hóa Pháp (Balade en France) trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12; Sự kiện “Ngôi làng châu Âu” của EU; Chương trình quảng bá văn hóa Anh của Đại sứ quán Anh; Chương trình quảng bá văn hóa, du lịch UAE tại Hà Nội; Sự kiện quảng bá văn hóa “Hương vị nước Úc”.
Những sự kiện đó để thấy một Hà Nội nhộn nhịp, ấm áp sự kiện hòa nhịp cùng sự phát triển của thế giới.
“Chất truyền dẫn” phát triển kinh tế
Nếu nhìn ra thế giới, TP Montréal (Canada) chỉ với hơn 200 lễ hội và sự kiện hằng năm (tương đương 1/5 của Hà Nội) nhưng đã trở thành một trong những thủ đô của công nghiệp văn hóa khu vực Bắc Mỹ, thậm chí được cả du khách và người dân địa phương đặt cho biệt danh “Thành phố Festival”. Trong số những lễ hội có quy mô lớn nhất phải kể đến Festival Ánh sáng hay Liên hoan quốc tế nhạc Jazz (FIZ). Điều đó đã giúp Montréal trở thành “điểm hẹn” của du khách khi nghĩ đến Canada.
Tại hội nghị phổ biến những nội dung cốt lõi của Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa đến đội ngũ cán bộ, đảng viên của Thủ, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã nhấn mạnh: “Nếu không có sự kiện tầm cỡ thì không thể có công nghiệp văn hóa”.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc Hà Nội đặt mục tiêu tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn là “chìa khóa” mở ra sự phát triển cho các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa. Hà Nội với hơn 2.200 sự kiện được tổ chức trong năm 2023, và dự kiến năm 2024 con số này sẽ được nâng lên khoảng gần 3.000.
Dưới góc độ của ngành công nghiệp văn hóa, số lượng cùng quy mô của sự kiện là “chất truyền dẫn” trong “hệ thống” của việc tạo ra sản phẩm dịch vụ văn hóa. Hoạt động này mang nhiều mục đích khác nhau, trước tiên là xây dựng thương hiệu. Từ thương hiệu sẽ mang lại giá trị về kinh tế - xã hội.
TP Hà Nội đang sẵn sàng tiếp nhận đề nghị tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa thể thao có tầm cỡ quốc tế, quy mô lớn trên địa bàn. Để chủ động kiểm soát và tổ chức thành công các sự kiện, các đơn vị, lực lượng phục vụ các sự kiện văn hóa sẽ phải có kế hoạch xác định các hoạt động, sự kiện trong năm; xác định quy mô trong năm tới để có sự chủ động; có đầu mối thống nhất danh mục chung tổ chức sự kiện. Và đặc biệt, Hà Nội sẽ quy hoạch không gian, thời gian để vận hành quản lý hợp lý các sự kiện.